Bất kể những ai vừa gia nhập bộ môn âm thanh hay những “lão làng” đã có nhiều kinh nghiệm đều biết đến cái tên Sennheiser và mẫu tai nghe trùm tai được coi là thành công nhất trong lịch sử audiophile - HD 600 (1997). Sự xuất hiện của dòng 6, xuất phát từ mẫu tai nghe HD 580 (1994) đã giúp thị trường tai nghe định hình được thế nào là tiêu chuẩn dành cho âm nhạc; nhận được lời khen từ một lượng rất lớn khách hàng và các nhà phê bình đã sử dụng sản phẩm của hãng từ khi mới ra mắt. HD 600 – được đánh giá là có chất âm dành cho cả kỹ sư âm thanh và người dùng phổ thông do độ chính xác, trung tính trong chất âm mà chúng mang lại; trải qua 27 năm tồn tại trên thị trường với nhiều thay đổi nhỏ so với bản gốc, đối đầu với hàng loạt mẫu tai nghe khác, liệu HD 600 có còn là sự lựa chọn hàng đầu hay không?
Thông số kĩ thuật:
- Cấu hình driver: DD;
- Độ trở kháng: 300 Ω;
- Độ nhạy: 97 dB (1 V);
- Dải tần phản hồi: 12 Hz – 40,500 Hz
- Loại chân cắm: 2-pin dành riêng cho dòng tai nghe đầu 6 của Sennheiser.
Phụ kiện đi kèm sản phẩm:
- Dây kết nối tai nghe sang chân cắm 3.5mm TRS (có đính kèm chân chuyển đổi 3,5mm TRS sang 6,35mm TRS)
Thiết kế, hoàn thiện, cảm giác đeo & mức độ cách âm
Phiên bản tiền nhiệm của HD 600. Nguồn: head-fi.org
Mặc dù đã trải qua khá nhiều thay đổi nhỏ về ngoại hình, HD 600 vẫn giữ nguyên hình dáng là một mẫu tai nghe được thiết kế dành riêng cho người dùng mong muốn được trải nghiệm nghe âm thanh trong khoảng thời gian dài – dạng ốp tai hình oval phù hợp với mọi loại kiểu tai, kèm với đệm tai đủ dày để tránh tai không chạm vào vách che màng loa. So với bản gốc có họa tiết đá hoa cương, Sennheiser đã đổi ngoại hình của HD 600 sang màu xám nhám, tối giản, hợp thời hơn; tuy không sặc sỡ nhưng vẫn tạo cảm giác sang trọng và cao cấp cho sản phẩm.
Mẫu tai nghe này có phần vỏ được hoàn thiện từ nhựa khá dày và cầm rất chắc tay. Chất liệu này mặc dù hiện tại không được coi trọng như các mẫu tai nghe khác có vỏ từ kim loại, một phần bởi vì có mức giá cao; tuy vậy, HD 600 được xem là một trong những chiếc tai nghe có thiết kế chắc chắn và đáng tin cậy nhất. Tuổi thọ của HD 600 đã được người dùng phổ thông và kỹ sư âm thanh kiểm chứng bằng kinh nghiệm trải nghiệm sản phẩm trong suốt 27 năm. Trong môi trường khắc nghiệt như ở phòng thu âm, HD 600 có thể chịu đựng độ rơi từ bàn mixer (khoảng từ 60 cm đến 1 m) rất tốt, không hề có vấn đề gì với màng loa và phần vỏ của tai nghe. Phần gọng kim loại của sản phẩm có thể kéo ra khá dài, phù hợp với tất cả các loại kích cỡ đầu; khi chỉnh độ dài gọng có cảm giác rất chắc chắn và có độ khấc cao, giúp người dùng có thể tính chỉnh chính xác hơn.
Phần đệm đầu và đệm tai cũng là một trong số những thay đổi của Sennheiser cho mẫu tai nghe HD 600. Trên bản gốc, phần đệm đầu được thiết kế theo dạng 4 đệm nhỏ khá cứng – điều mà một số người dùng cảm thấy không thoải mái bởi chúng thường không phân bố đều lực ép xuống đầu khi đeo. Hãng đã câp nhật phần đệm đầu của HD 600 sang dạng 2 mảnh dài, giống với đàn anh HD 650 với mục đích cải thiện cảm giác đeo cho sản phẩm thoải mái hơn nhiều. Phần đệm tai đồng thời cũng có sự thay đổi về kích thước và chất liệu đệm. So với đệm tai gốc (1997 – trước 2020), phiên bản hiện nay có phần đệm chắc chắn, cứng và nhỏ hơn và không êm như trước. Với sự thay đổi này đồng thời thay đổi nhẹ chất âm của HD 600, tuy nhiên trong bài viết này chỉ đề cập đến chất âm của phiên bản HD 600 mới nhất tại thời điểm bài viết được ra mắt (còn có rất nhiều thay đổi khác của hãng dành cho sản phẩm này, ví dụ như màng chắn củ loa, màng củ loa).
Là mẫu tai nghe có thiết kế dạng “mở”, mức độ cách âm của HD 600 gần như bằng 0. Tuy vậy, loại thiết kế này đóng góp rất nhiều vào chất âm của sản phẩm – điều mà bài viết này sẽ được để cập trong phần tiếp theo.
Chất âm:
Bài viết đánh giá chất âm của sản phẩm dược thực hiện qua:
- Đệm tai: đệm tai đi kèm với sản phẩm
- Dây: dây đi kèm với sản phẩm
- DAC/ AMP: Nguồn nhạc từ máy tính ð Focusrite Solo Gen 3, FiiO K5 PRO AKM DAC/AMP ð Cayin HA-6A. Sony Walkman NW-ZX300 qua cổng 3,5mm và 4,4mm.
Với độ nhạy 97 dB (1 V) và độ trở kháng 300 Ω, Sennheiser HD 600 không hẳn cần phải có nguồn khỏe để đạt được mức âm lượng cần nghe. Tuy nhiên, chất âm của HD 600 sẽ cải thiện hơn rất nhiều khi kết nối với bộ DAC/ AMP tốt. Nhờ có độ trở kháng cao, mẫu tai nghe này được khuyên sử dụng chung với các loại AMP đèn dạng OTL giúp cải thiện âm trường và cho chất âm ấm hơn.
Dải phổ tần đáp tuyến của Sennheiser HD 600 được đo bằng hệ thống giả lập đầu và thân B&K 5128, được hiệu chuẩn với phổ tần đáp tuyến chuẩn DF HRTF, đi kèm với mức độ biến thiên trung bình và dốc DF +10 dB được chèn lên.
Dữ liệu được lấy từ Resolve tại headphones.com.
Dải âm trầm:
Sennheiser HD 600 tái tạo dải âm trầm một cách trung tính và được kiểm soát tốt. Phần mid-bass của HD 600 có một lượng tương đối, tốc độ phản hồi ổn, không lan vào các dải âm khác làm bí bách tổng thể chất âm. Là tai nghe sử dụng driver dynamic, dải bass của HD 600 được thực hiện căng, chắc chắn và có thể cảm nhận được độ nẩy của từng nốt trầm, đặc biệt đối với lực của trống trầm như trong bản “Do I Wanna Know?” của ban nhạc Artic Monkeys, hoặc “bad guy” của Billie Eilish. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trong những điểm yếu lớn của mẫu tai nghe này. Một phần do tai nghe có thiết kế dạng “mở”, có chất âm được tinh chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu của kỹ sư âm thanh, một số người dùng phổ thông sẽ không ấn tượng đối với cách tái tạo âm trầm của HD 600. Dải sub-bass (khoảng 90 Hz trở xuống) bị thiếu hụt nhiều năng lượng, vì thế đối với các tín đồ nghe nhạc điện tử yêu thích sự sôi động của dải bass hoặc muốn cảm nhận được nốt trầm của trầm, đáng tiếc rằng mẫu tai nghe này không thể đáp ứng được. Mặc dù vậy, HD 600 rất phù hợp để nghe đa dạng các thể loại nhạc như rock, jazz, metal, J-pop... và một số bản nhạc điện tử.
Dải âm trung:
Lý do tại sao HD 600 vẫn còn tồn tại trên thị trường tai nghe sau 27 năm ra mắt (và dự kiến sẽ còn tồn tại lâu hơn nữa) được trả lời qua cách tái tạo dải âm trung của sản phẩm. Bất kể giọng hát của ca sĩ nào, nam hay nữ, già hay trẻ đều được thể hiện xuất sắc, kèm với độ chi tiết trong trẻo đến bất ngờ. Chất âm của guitar điện được xuất ra một cách rõ ràng: từ hiệu ứng méo tiếng (overdrive/ distortion) đến sự hòa âm trong đàn được tái hiện lại chính xác trên HD 600, tiêu biểu nhất qua bài “Die on the Cross of the Martyr” của ban nhạc Unprocessed. Mẫu tai nghe này đồng thời giúp tỏa sáng các loại đàn dây như violin, cellos,... và đàn piano trong những bản giao hưởng, cho âm sắc tự nhiên và trung thực. Đây cũng được coi là ưu điểm có 1-0-2 dành cho các kỹ sư âm thanh bởi độ chính xác trong dải tần này mà sản phẩm mang lại, giúp họ có thể xử lý các tác vụ liên quan đến âm thanh kỹ thuật số tốt và dễ dàng hơn. Dải âm trung của HD 600, đặc biệt ở khoảng tần 1kHz – 4kHz – vùng quan trọng nhất trong âm thanh, được đẩy lên nhẹ nhằm cho giọng hát hay các loại nhạc cụ thiên âm trung nghe nổi bật mà không lấn sang các yếu tố khác trong bản nhạc, giúp cho người dùng có thể chìm đắm sâu, ghi đậm dấu ấn mật thiết về âm thanh hơn khi trải nghiệm sản phẩm.
Dải âm bổng:
HD 600 khéo léo kết hợp một cách cân bằng về sự mượt mà và độ chi tiết cho dải âm bổng. Sennheiser đã cẩn thận tinh chỉnh dải này nhằm giúp cho người dùng có thể trải nghiệm HD 600 trong khoảng thời gian dài mà không gây mỏi tai. Các loại nhạc cụ thiên sáng như chũm chọe trong bộ trống hay khoảng tần số cao trong tiếng gảy của đàn guitar, nốt cao của đàn piano được tái tạo tương đối chi tiết, thoáng đãng, kèm với tốc độ phản hồi đủ nhanh và chính xác. Nhờ có dải âm bổng mượt mà, HD 600 thường lược bỏ tốt các phụ âm ma sát trong giọng hát hoặc tiếng “sss” trong âm thanh gây khó chịu cho tai. Tuy nhiên, từng cá nhân có cách nhìn nhận tiếng “sss” này khác nhau, tùy thuộc vào nguồn mà HD 600 được cắm vào và mức độ chịu đựng tần số cao của mỗi người. Chiếc tai nghe này tuy được đánh giá là có dải âm bổng trung tính và không chói tai bởi đại đa số, song vẫn có một số người dùng phát hiện có sự nhấn mạnh trên khoảng tần số xác định ở những bản nhạc cụ thể. Đối với những ai mong muốn sở hữu tai nghe có chất âm mang tính kỹ thuật cao sẽ cảm thấy dải âm bổng của HD 600 hơi mượt và không chân thực về độ chi tiết.
Âm trường, âm hình:
Âm trường và âm hình không phải là điểm nổi trội của Sennheiser HD 600. Mặc dù tổng thể chất âm có phần thoáng đãng từ dải âm bổng, âm trường của mẫu tai nghe này hẹp, không có điểm nào ấn tượng. Tuy vậy, nhờ có âm trường hẹp mà giọng hát và các loại nhạc thiên âm trung được đưa sát vào tai, tạo cảm giác như ban nhạc đang chơi ngay trước mặt mình – ưu điểm từ dải âm trung của sản phẩm. HD 600 có thể thể hiện âm hình một cách liền mạch, không bị hiện tượng bí bách tại riêng 3 điểm trái-giữa-phải, nhưng về việc thể hiện chính xác vị trí phát âm của nhạc cụ và mức độ tách lớp trong một bản nhạc có nhiều thông tin, điển hình như bản “長く短い祭” của ca sĩ 椎名林檎,HD 600 khó có thể thực hiện được, nhưng nhìn chung, HD 600 mang đến cho người dùng sự hài hòa giữa cách trình bày âm hình và tổng thể chất âm và tính cảm nhạc của sản phẩm.
Tổng kết
Ưu điểm |
Nhược điểm |
Thiết kế nhẹ, đeo thoải mái. |
Tai nghe có thiết kế dạng “mở” rò âm thanh nhiều; có thể không phù hợp với một số tình huống. |
Được hoàn thiện từ nhựa cứng cáp, chịu lực rất tốt; đã được kiểm chứng bởi người dùng qua 27 năm tồn tại trên thị trường. |
Không thích hợp để sử dụng khi di động. |
Dây có thể tháo rời. |
Dây đi kèm trong hộp rất dài (3 m), không đi kèm thêm bất cứ dây thay thế nào khác; dễ rối. |
Dải âm trầm cân bằng, tốt độ phản hồi tốt; phù hợp để nghe đa số các thể loại nhạc. |
Không dành cho các tín đồ yêu thích nhiều lượng bass. |
Sự trong trẻo, chi tiết và trung thực đến bất ngờ ở dải âm trung. |
Có thể không phù hợp đối với một số người dùng không thích cách nhấn mạnh ở dải mid này. |
Dải âm bổng mượt mà, tương đối chi tiết. |
Người dùng mong muốn được nghe chất âm mang tính kỹ thuật cao, trong sáng sẽ cảm thấy HD 600 nghe không chân thực. |
Có thể cảm nhận giọng hát gần gũi, các loại nhạc cụ được tái tạo như đang chơi ngay trước mặt |
Âm trường hẹp; cách thể hiện âm hình không quá ấn tượng. |