Đối với thị trường âm thanh, đặc biệt đối với mảng tai nghe nhét tai, Symphonium Audio không phải là cái tên quen thuộc với nhiều người dùng. Hãng được thành lập từ một nhóm người có đam mê với âm thanh vào đầu năm 2015 tại Singapore, khi một khách hàng không cảm thấy hài lòng đối với sự lựa chọn trong thị trường tai nghe lúc bấy giờ. Hãng đã ra mắt hai mẫu tai nghe AuroraMirage trong năm 2018, đều nằm trong phân khúc tầm trung. Đây chính là cột mốc đầu tiên đánh dấu tên tuổi của hãng lên thị trường âm thanh.

Đến khoảng năm 2019 – 2020, Symphonium Audio hợp tác với subtonic – đều là một nhóm đối tượng yêu thích kỹ thuật âm thanh đến từ Singapore, nhằm tung ra thị trường sản phẩm đầu tiên trong dự án hợp tác này, đó chính là Helios. Được trang bị cho mình các công nghệ tiên tiến độc quyền của subtonic như FLAT (Filtered Linear Attenuation Tuning – giúp cho chất âm của tai nghe không bị thay đổi qua các nguồn phát có độ trở kháng khác nhau); hệ thống phân chia tín hiệu 4 chiều giúp hãng có thể tinh chỉnh chất âm cho từng driver dễ dàng hơn…, đồng thời có chất âm mà rất nhiều người dùng yêu thích âm thanh trung tính luôn mong ước, Helios đã được nhận rất nhiều lời khen ngợi từ các nhà phê bình nước ngoài và khách hàng thân thuộc ở các cộng đồng trên Discord. Với sự thành công mỹ mãn này, cả hai hãng cùng hợp tác với nhau thêm một lần nữa để tạo ra Triton – mẫu tai nghe có mức giá rẻ hơn Helios; sinh ra nhằm thử thách phá giải nghịch lý giữa việc có dải âm bổng không sáng nhưng đồng thời có độ truy xuất chi tiết cao.

 

Thông số kĩ thuật:

  • Cấu hình driver: 1 DD + 2 BA
  • Độ trở kháng: 8,3Ω@1kHz
  • Độ nhạy: 107dB/Vrms@1kHz
  • Dải tần phản hồi: 11Hz – 21kHz, ±3dB
  • Loại chân cắm: 2-pin 0,78mm.

 

Các phụ kiện đi kèm sản phẩm bao gồm:

  • Hộp đựng tai nghe Symphonium Audio;
  • Phiếu cám ơn, thẻ ghi số seri;
  • 3 cặp nút tai AZLA Sedna Earfit Stanđard cỡ S/ M/ L (có sẵn cặp nút tai cỡ M trên tai nghe); 3 cặp nút tai ống màu đỏ;
  • 1 bàn chải lau chùi ống tai nghe;
  • 2 miếng dán hình logo Symphonium Audio;
  • 1 dây chuyển 2-pin 0,78mm sang chân cắm Balanced 2.5mm (có thể lựa chọn các loại chân cắm 2,5mm, 3,5mm và 4,4mm qua trang bán của hãng).

 

Thiết kế, hoàn thiện & mức độ cách âm

Giống với Helios, ngoại hình của Triton không sáng sủa như các mẫu tai nghe cao cấp khác trong cùng phân khúc giá, mà theo hướng thiết kế một tông màu đen đơn giản, không có nhiều chi tiết đặc sắc; đa phần tập trung vào phần thiết kế buồng âm, đồng thời tăng trải nghiệm đeo của tai nghe với các góc cạnh được bo tròn, không tạo điểm cấn nhất định. Đối với người dùng lần đầu tiên khi biết đến hai mẫu sản phẩm này có thể bị nhầm lẫn nếu chỉ xét riêng về ngoại hình, đặc biệt khi một bên tai phải của cả Triton và Helios có hình dáng và logo hãng y hệt nhau. Kích thước của hai mẫu này to hơn khá nhiều so với bình thường (tiêu chuẩn kích cỡ tai nghe có thể lấy DUNU Studio SA6 hoặc SeeAudio YUME làm ví dụ), vì thế đối với một số người dùng không có hõm tai rộng có thể không đạt được trải nghiệm đeo như ý muốn. Ống tai của Triton cũng có đường kính khá to và thân dài; với các nút tai có đường kính nhỏ như Final Audio Design type E sẽ không gắn vừa, hoặc cặp nút tai Moondrop Spring Tips có đường kính ống to nhưng chiều dài ống nút tai ngắn hơn so với ống tai của tai nghe. Khi đó, sản phẩm khi đeo sẽ không ôm kín hõm tai đối với một số người dùng, ảnh hưởng một phần đến mức độ cách âm của Triton. Vì vậy, để có được trải nghiệm sản phẩm tốt nhất, dường như AZLA Sedna Earfit Standard là sự lựa chọn cuối cùng (nút tai có ống đỏ và vòm xám mờ được đi kèm với sản phẩm cũng không thể bao trùm hết ống tai nghe của Triton theo tự nhiên. Nếu đẩy nút tai vào sâu, khi đeo sẽ không có trải nghiệm thật sự thoải mái như loại nút Sedna Earfit Standard).

 

Triton có cổng cắm 2-pin 0,78mm tương đối dài. Điều này không hẳn là nhược điểm của cả hai sản phẩm bởi đến hiện tại vẫn chưa có báo cáo tiêu cực nào về độ bền của cổng cắm. Tuy nhiên, khi sử dụng tai nghe với loại đây được đi kèm trong hộp không đảm bảo nhiều phần bảo vệ đầu nối, tránh hiện tượng đứt quãng dây nối khi sử dụng nhiều theo thời gian. (Meteor – sản phẩm mới nhất của Symphonium Audio có thay đổi cổng cắm nhưng vẫn giữa hình dạng cũ của Helios và Triton).

 

Mặc dù có kích thước và ống tai to hơn so với bình thường, Symphonium Triton không hề gây cảm giac nặng tai. Sử dụng hợp kim nhôm 6061 loại T6 được giá công cơ khí đến từng chi tiết nhỏ, Triton đảm bảo được độ bền lâu dài cũng như trải nghiệm đeo nhẹ nhàng cho người dùng.

Tuy sử dụng loại driver dynamic trong cấu hình driver hybrid, Triton vẫn đem đến một mức cách âm khá ấn tượng, đặc biệt màng loa driver dynamic không tạo tiếng kêu do áp suất thay đổi khi đeo vào tai. Nhưng vì có kích thước to và ống tai dài, đối với một số người dùng khi sử dụng tai nghe trong môi trường có nhiều gió, tiếng gió sẽ bị khuếch đại do sự tương tác giữa chúng và tai nghe, tạo tiếng ồn không mong muốn.

 

Chất âm

Bài viết đánh giá chất âm sản phẩm này được thực hiện dựa trên:

  • Loại nút tai: nút tai AZLA Sedna Earfit Standard cỡ S (sử dụng thường xuyên).
  • Dây: dây đi kèm trong hộp (sử dụng thường xuyên); TRN T2.
  • Nguồn: Hiby R3 Pro Saber (sử dụng thường xuyên), Samsung Note 10+; các loại tệp âm thanh định dạng MP3, FLAC (sử dụng thường xuyên), WAV, DSF (DSD64, DSD128)…

Với độ nhạy 107dB/Vrms@1kHz và độ trở kháng 8,3Ω@1kHz, Symphonium Triton phối ghép được với tất cả thiết bị có nguồn ra âm thanh (chất âm sẽ không bị thay đổi qua các nguồn phát có độ trở kháng khác nhau).

 

Dải phổ tần tổng của Symphonium Triton (được chuẩn hóa với dải tần lý tưởng của In-Ear Fidelity tại 60dB).
Nguồn: crinacle.com

Dải âm trầm:

Một trong những mục tiêu của hãng dành cho Triton khi phá giải nghịch lý được đưa ra đó chính là phải có dải âm trầm ấm và sâu. Âm lượng ở dải này được tinh chỉnh sao cho phần mid-bass không bị tràn vào các dải khác, đồng thời giữ được các tính đặc trưng của loại driver dynamic: căng, tốc độ phản hồi nhanh và tái tạo các loại nhạc cụ thuộc dải âm trầm một cách tự nhiên như trống trầm, bass đệm. Phần sub-bass được nhấn mạnh với một lượng khoảng 7-8dB nhằn giúp cho tổng thể chất âm có thêm tính sống động nhưng vẫn được kiểm soát tốt, không gây cảm giác bí bách, nặng tai, chóng mặt khi nghe sản phẩm trong thời gian dài. Đối với các thể loại nhạc điện tử, Triton có thể truy xuất tần số thấp tương đối tốt và giữ cho dải bass nói chung được thể hiện mạnh mẽ, nhanh nhẹn. Các thể loại nhạc jazz, cổ điển, blues, đồng quê được thể hiện rõ ràng, khá dứt khoát và không có độ trễ khi kết thúc tái tạo một âm thanh nào đó trong dải âm trầm.

Tuy nhiên, Triton sẽ không phải là đối thủ quá đáng gờm trong phân khúc nếu chỉ xét riêng về tính kĩ thuật của dải bass. Driver dynamic của Triton thật sự có hoạt động, nhưng khi so sánh với các sản phẩm khác trong gần cùng mức giá như Sony IER-M9, Softears RSV, DUNU Zen Pro…, hoặc so với người anh em Helios chỉ sử dụng một loại driver BA thay vì hybrid, độ căng ở dải âm trầm được tái tạo trên Triton có phần thua thiệt nhẹ. Vì vậy, đối với những người dùng mong muốn có một mẫu tai nghe có thể tái tạo tính kĩ thuật dải bass vượt mức giá, hoặc chỉ đơn giản là yêu thích chất âm có nhiều lượng bass dành cho các thể loại nhạc điện tử, pop…, Triton không hẳn là sự lựa chọn hàng đầu.

 

Dải âm trung:

          Đi kèm với dải bass có âm lượng tương đối, không quá căng thẳng để thích hợp nghe nhiều thể loại nhạc trong nhiều giờ đồng hồ là dải âm trung nhẹ nhàng, có độ truy xuất chi tiết ổn trong tầm giá mà không phải nhấn mạnh ở khoảng tần đặc biệt nào. Các loại nhạc cụ thuộc dải âm này như piano, guitar được trình bày một cách trung tính, không quá nổi bật trên tổng thể chất âm hoặc bị mất nhiều năng lượng. Lượng chi tiết được tái tạo trên Triton tương đối tốt nhờ có sự đảm nhiệm của một driver BA; trích xuất đủ lượng chi tiết nhỏ trong các bản nhạc có nhiều thông tin âm thanh diễn ra cùng lúc hoặc thể hiện chất âm trong trẻo hơn mà không phải tăng âm lượng lên mức nghe nhức tai trong khoảng thời gian dài.

          Với cách tinh chỉnh dải âm trung này cũng không phải dành cho đại đa số người dùng. Đối với những ai yêu thích chất âm sáng được tái tạo từ các mẫu tai nghe như DUNU Studio SA6, ThieAudio Monarch MKII…, khi trải nghiệm sang Triton lần đầu tiên có thể không cảm thấy ấn tượng với cách Triton trình bày dải âm trung, bởi mục đích của hãng dành cho mẫu tai nghe này đó chính là tinh chỉnh chất âm theo hướng nhẹ nhàng và ấm (tương tự như chất âm của Sennheiser HD 650). Với cách tinh chỉnh chất âm theo hướng này đẩy các phụ âm mát trong giọng hát xuống mức tối thiểu nhất có thể, nhưng cũng làm cho các giọng hát nữ và nam ở một số bản nhạc có cảm giác bị mất năng lượng và thường không nổi bật lên trên nền nhạc. Tuy vậy, việc nhận xét Triton không tái tạo giọng hát một cách tự nhiên có phần phóng đại nhẹ. So với người anh Helios, Triton thật sự thua thiệt hơn nhiều về phần truy xuất chi tiết, tái tạo nhạc cụ với độ trong trẻo rất cao mà không gây chói tai và không làm cho phụ âm ma sát trong giọng hát thể hiện quá ngưỡng chịu đựng của tai người.

 

Dải âm bổng:

          Để phá giải được nghịch lý mà hãng đã đạt ra, dải âm bổng của Triton được tùy chỉnh sao cho có vừa đủ âm lượng cần thiết để giúp cho tổng thể chất âm của tai nghe không trở nên quá ấm và tối, đồng thời có được dải tần mở rộng cao, giúp cho dải âm bổng thêm phần thoáng đãng. Các loại nhạc cụ thiên âm bổng như bộ gõ trong dàn trống, phần âm tần cao hơn của các loại đàn dây trong bản hòa tấu, đàn guitar thùng – dây sắt,… được thể hiện tương đối đầy đủ, thường không bị mất chi tiết. Nhưng so với người anh em Helios, cách thể hiện dải âm bổng của Triton không thật sự ấn tượng khi chi tiết âm thanh trong dải này được tái tạo quá “mượt mà”, ví dụ như phần điệp khúc“Ludens” của ban nhạc Bring Me The Horizon thiếu một chút năng lượng khoảng tần cao hơn 10kHz, không nghe sống động và dễ gây chán. Tuy vậy, so với các đối thủ khác trong cùng tâm giá, Triton là một trong những sự lựa chọn tốt cho người dùng mong muốn có chất âm thiên ấm và có thể nghe trong khoảng thời gian dài mà không bị choáng tai.

 

Tính kĩ thuật âm thanh:

Helios là mẫu tai nghe được các nhà phê bình yêu thích, đơn giản vì có chất âm trung tính thiên sáng và cách tái tạo âm hình, truy xuất chi tiết âm thanh vượt bậc trong phân khúc giá khoảng 1000 USD. Nhưng đối với Triton, để có thể hạ giá thành xuống một chút nhằm đối đầu với các đối thủ trong tầm tiền dưới 1000 USD và có chất âm ấm, mượt, Triton đã phải đánh đổi một số ưu điểm về tính kĩ thuật âm thanh nổi bật trên Helios nhu âm hình. Về việc thể hiện độ phân giải cao trong âm thanh, Triton khó có thể tái tạo những chi tiết nhỏ trong bản nhạc như tiếng chũm chọe nhẹ nằm ở bên trái kênh âm thanh trong bản nhạc “Toxic” của Britney Spear, hoặc bản nhạc có rất nhiều chi tiết âm thanh diễn ra như 長く短い祭” của Sheena Ringo. Âm trường của Triton tương đối hẹp và khá gần tai.

Nhận xét chung & Tổng kết

          Với hướng tinh chỉnh chất âm của hãng dành cho mẫu tai nghe này tạo ra khá nhiều sự tương đồng với Sennheiser HD 650 – mẫu tai nghe trùm tai thần thoại từ năm 2004, đem lại chất âm trung tính thiên ấm và dễ nghe trong khoảng thời gian dài, được lượng người dùng đông đảo yêu thích mặc dù tính kỹ thuật âm thanh của HD 650 không phải là ưu thế. Nhìn chung, Triton là một sự lựa chọn khá với những gì sản phẩm đã đem lại, nhưng không thể hiện vượt mức giá.

 

Ưu điểm

Nhược điểm

Thiết kế đơn giản nhưng sang trọng; không có điểm nhọn/ cấn gây khó chịu tai.

Phần thiết kế cổng cắm 2-pin cần được cắt ngắn nhằm tăng thêm tính lâu bền của sản phẩm.

Mức độ hoàn thiện rất tốt; phần cứng chắc chắn.

Thân tai nghe và ống tai rất to, dài; có thể đeo không vừa đối với một số người dùng; ống tai không vừa với nhiều loại nút tai có ống tai ngắn.

Chất âm trung tính thiên ấm; dải âm trung được tái tạo tự nhiên, trung thực; lượng chi tiết âm thanh được truy xuất vừa đủ, mượt mà; dải tần được mở rộng tương đối cao. Phù hợp để nghe trong khoảng thời gian dài.

Thua thiệt hơn so với người anh Helios nhiều; có thể nghe chán đối với một số người dùng; tính kỹ thuật âm thanh ở mức trung bình.