Trong đầu năm nay, Sennheiser đã tung ra khá nhiều các mẫu tai nghe không dây tiên tiến, tích hợp AI đến CES 2024 - triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới. Mảng công nghệ phổ thông của hãng thu hút được sự chú ý của phần đông giới công nghệ. Nhưng đối với mảng âm thanh dành cho audiophile, sự ra mắt của HD 490 Pro giống như một cơn gió thoảng, rất ít người biết đến, có thể một phần do sự thay đổi bất ngờ về hướng kinh doanh và tiếp thị của Sennheiser sau khi hãng hoàn tất giao quyền quản lý cho Sonova. Tuy không có màn chào hàng rầm rộ, HD 490 Pro vẫn có những điểm đáng chú ý sẽ được đề cập trong bài đánh giá dưới đây; là một sự lựa chọn mới trong tầm giá 10 triệu, hướng đến mục tiêu thỏa mãn những kỹ sư âm thanh có yêu cầu chất âm cân bằng tuyệt đối và người dùng audiophile phổ thông muốn nghe nhạc thư giãn.

 

Tuyên bố từ chối trách nhiệm: sản phẩm được cung cấp bởi SLAudio - Tai Nghe Việt nhằm phục vụ cho một bài đánh giá hoàn chỉnh. Tác giả không nhận bất kỳ hình thức bồi thường nào; mọi thông tin và cảm nhận khách quan, chủ quan đều do ý của chính tác giả. 

Thông số kỹ thuật:

  • Cấu hình: 1 DD;
  • Độ trở kháng: 130 Ω;
  • Độ nhạy: 105dB SPL (1 kHz/ 1 Vrms), 96 dBSPL (1 kHz/ 1 mW);
  • Loại chân cắm: 4-pin mini-XLR (2 đầu);
  • Cân nặng: 260g (không tính dây).

 

Phụ kiện đi kèm sản phẩm:

  • 2 cặp đệm tai với chất liệu khác nhau
  • 1 dây 1.8m
  • Adapter chuyển 3.5mm - 6.35mm dạng xoay

 

Thiết kế, hoàn thiện, cảm giác đeo & mức độ cách âm

 

Cảm nhận đầu tiên khi cầm chiếc tai nghe này lên đó chính là “tại sao nó lại nhẹ đến lạ thường?”. Mặc dù với trọng lượng đạt chỉ 260g nhờ được hoàn thiện chủ yếu từ nhựa composite và kim loại cho phần đai đầu tai nghe, sản phẩm này vẫn cảm thấy chắc chắn; rất phù hợp khi sử dụng lâu dài, đặc biệt trong môi trường khắc nghiệt như ở phòng thu âm chuyên nghiệp, khi việc bảo vệ tai nghe không phải là sự ưu tiên hàng đầu đối với các kỹ sư âm thanh, nhạc sĩ….  HD 490 Pro được trang bị sẵn 2 đệm tai mềm mại (có 2 chức năng khác nhau, sẽ được đề cập chi tiết trong phần chất âm), mang lại sự trải nghiệm nghe nhạc thoải mái cho người dùng. Đặc biệt rằng, cả đệm đầu và đệm tai đều có thể tháo rời và thay thế, vệ sinh - một trong những ưu điểm mạnh dành cho dòng tai nghe Pro của hãng; có điều cách thay đệm tai tương đối phức tạp.

 

Tuy vậy, lực kẹp của HD 490 Pro có phần cao hơn so với một số đối thủ khác trong cùng tầm giá, nhưng đây không phải là một điều quá xa lạ bởi đó là một trong những đặc điểm của thiết kế tai nghe Sennheiser nhằm tối ưu hóa chất âm của sản phẩm như kỳ vọng của hãng. Nếu so sánh lực kẹp với các mẫu tai nghe khác của hãng, HD 490 Pro nằm giữa HD 560 S (có lực kẹp cao nhất) và HD 600 (có lực kẹp vừa phải).

 

 

Một điểm nổi bật khác của HD 490 Pro là sự linh hoạt trong việc kết nối với 2 cổng 4-pin mini-XLR, cho phép người dùng sử dụng dây đơn ở bất kỳ bên nào, hoặc kết nối bằng dây đôi tùy nhu cầu (ví dụ như dây ddHiFi BC150B 490, được thiết kế riêng cho sản phẩm này). Tuy nhiên, khi sử dụng dây đơn, người dùng cần lưu ý bịt nút ở bên còn lại (trên tai nghe có đi kèm 1 nút bịt cổng), nếu không sẽ ảnh hưởng đến cân bằng âm lượng giữa 2 bên màng loa.

 

Là tai nghe có thiết kế dạng mở, HD 490 Pro không phải là sự lựa chọn dành cho những ai có nhu cầu nghe nhạc trong môi trường náo nhiệt, có nhiều tạp âm/ trong khuôn viên công cộng cần sự yên tĩnh cao như văn phòng, v.v.

 

Tai nghe Sennheiser HD 490 Pro được bảo hành chính hãng 24 tháng, vì vậy người dùng có thể an tâm sử dụng sản phẩm mà không phải quá lo lắng về tuổi thọ của chúng.

 

Chất âm

Bài viết đánh giá chất âm của HD 490 Pro được thực hiện qua:

  • Đệm tai: 2 cặp đệm tai đi kèm với sản phẩm
  • Dây: dây đi kèm với sản phẩm
  • DAC, AMP: ZEN DAC Signature V2 → ZEN CAN Signature; Sennheiser HDV 820 → Cayin HA-3A; Cayin N3 Ultra (DAP); Sony Walkman NW-ZX300 (DAP).

Sennheiser HD 490 Pro không hẳn cần phải có nguồn khỏe để đạt được mức âm lượng cần nghe. Tuy nhiên, chất âm của HD 490 Pro sẽ cải thiện nhẹ khi phối hợp với bộ nguồn tốt. Nhờ có độ trở kháng cao (đặc biệt cao hơn ở dải âm trầm), mẫu tai nghe này được khuyên sử dụng chung với các loại AMP đèn dạng OTL để có lượng âm trầm ấm hơn; AMP solid-state để trải nghiệm âm trung thực nhất.

 

Đánh giá khách quan:

Dải phổ tần đáp tuyến của Sennheiser HD 490 Pro [2 đệm tai “mixing” (xanh) và “producer” (đỏ)] được đo bằng hệ thống giả lập đầu và thân B&K 5128, hiệu chuẩn với phổ tần đáp tuyến chuẩn b&K 5128 DF HTRF, kèm với độ biến thiên trung bình và dốc DF + 10 dB (đường nét đứt). Dữ liệu được lấy từ listener tại headphones.com.

Với đệm “producer”, chất âm của HD 490 Pro thiên V-shaped - nhấn mạnh dải âm trầm và bổng, đồng thời đẩy lùi dải âm trung. Chất âm của sản phẩm là trung tính khi sử dụng đệm “mixing”.

Đánh giá chủ quan:

Dải âm trầm (20 Hz - 250 Hz):

Khi sử dụng đệm tai “producer”, mẫu tai nghe này có khả năng tái tạo dải âm trầm xuống khá sâu - một đặc điểm hiếm thấy ở các đối thủ khác trong cùng phân khúc giá 10 triệu đồng. Dải sub-bass được thể hiện rõ ràng, khá nổi bật khi nghe bản “Hollowheart” của Porter Robinson, một phần nhờ trang bị cho mình màng loa dynamic 38mm “nhà làm” mạnh mẽ. Mặc dù âm lượng dải bass không nhiều như Beyerdynamic DT 990 Pro nhưng vẫn có đủ năng lượng để nghe các thể loại nhạc đơn giản như rock, EDM,... mà không gây nhàm chán. Vì vậy, tổng thể màu âm của HD 490 Pro có xu hướng thiên ấm hơn so với những tai nghe thiết kế mở khác.

 

Tuy nhiên, về chất lượng, HD 490 Pro không có khả năng tái tạo dải mid-bass một cách mạnh mẽ, dứt khoát và chi tiết. Điều này có thể thấy rõ khi nghe các bản nhạc có nhiều phần tử âm thanh phức tạp, điển hình như “Nagaku Mijikai Matsuri” của Sheena Ringo có khá nhiều chi tiết âm trầm diễn ra nhanh chóng, làm cho tai nghe không thể bắt kịp, bass bị lùng bùng và thiếu kiểm soát. Tương tự, tiếng guitar nhiều lượng bass của bản “Blossom” - Porter Robinson hoặc toàn bộ các bản nhạc trong album “Cigarettes After Sex” do ban nhạc cùng tên sáng tác cũng trở nên mờ nhạt và lấn át các dải âm khác cùng bài.

 

Khi chuyển sang đệm tai “mixing”, màu âm của HD 490 Pro trở nên thoáng đãng hơn nhờ lượng sub-bass được giảm đáng kể so với đệm “producer”. Tuy nhiên, về độ sâu của bass, sản phẩm này vẫn thể hiện tốt hơn các đối thủ có cấu hình cùng giá, thậm chí so với các dòng tai nghe trước đó của Sennheiser như HD 600, HD 650 và HD 560 S.

 

Dải âm trung (250 Hz - 4 kHz):

Dải âm trung khi sử dụng đệm tai “producer” không có nhiều ưu điểm vượt trội bởi sự tái tạo không tự nhiên và chi tiết của nhạc cụ thiên âm trung và giọng hát như cách tinh chỉnh chất âm đặc trưng của Sennheiser, tiêu biểu là HD 600 hoặc HD 560 S. Trong khoảng tần từ 1 - 2 kHz có xu hướng thụt lùi, kết hợp với dải mid-bass không có tốc độ phản hồi nhanh khiến cho giọng ca nam thiếu sức sống, không trong trẻo và dư thừa lực trầm, có thể lấy ví dụ bản “Live in a system” của Carpetman. Âm sắc của các nhạc cụ thiên âm trung như piano, guitar cũng không ấn tượng, thiên ấm khá nhiều và mất đi tính trung thực.

 

Lợi thế của việc tinh chỉnh chất âm theo cách này - theo lý thuyết - có khả năng giúp người dùng cảm giác âm trường rộng hơn, giống với những đặc điểm có trên mẫu tai nghe đình đám HD 800 S của hãng. Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng về độ rộng và chiều sâu của âm trường, HD 490 Pro nằm giữa HD 560 S (thoáng đãng nhất) và HD 600 (bí và hẹp nhất), nhưng vẫn không nổi trội hơn so với các mẫu tai nghe sử dụng driver từ phẳng như HIFIMAN Edition XS.

 

Phần lớn các nhược điểm đã đề cập đến được cải thiện khi sử dụng đệm tai “mixing”. Năng lượng ở dải mid - đặc biệt trong khoảng tần 1 - 2 kHz trở nên mạnh mẽ và sống động hơn, đồng thời sự giản lược ở dải âm trầm làm cho nhạc cụ thiên âm trung và giọng hát nổi bật trên tổng thể nền nhạc. Với đệm tai “producer”, giọng hát nữ có cảm giác bị nghẽn, không phát huy toàn lực thực sự của ca sĩ do dải âm trung cao nhấn mạnh ở những điểm bất thường, kèm với những điểm khuyết khác, nhưng với đệm “mixing”, toàn dải mid được thể hiện đồng đều, cân bằng, không bị thiếu hụt hoặc dư thừa âm lượng. Dù rằng khi sử dụng đệm này sẽ làm hẹp đi chiều rộng của âm trường, nhưng với cách nhìn tổng quan, đây là một sự đánh đổi lý tưởng nhất đối với HD 490 Pro.

 

Dải âm bổng (4 kHz - 20 kHz):

Ở khoảng tần 4 - 6 kHz - thường là nơi tập trung nhiều thông tin âm thanh mà tai người nhạy cảm nhất, đồng thời đóng góp một phần không nhỏ vào âm sắc của gần như toàn bộ chất âm - được nhấn mạnh khá rõ khi sử dụng đệm “producer”. Xét theo góc độ của các kỹ sư âm thanh, nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ…, đây sẽ là lợi thế giúp nhận diện nhanh các lỗi vặt, âm tạp - chi tiết khó nghe thấy bằng tai của bản thân trong bản thu. Nhưng khi dùng để nghe nhạc bình thường hay phân tích nhạc, nhược điểm của HD 490 Pro lộ rõ: âm xuýt của giọng hát như tiếng “sss”, “zzz” bị đẩy cao trên nền nhạc, khiến cho chất âm bị gắt và có thể rát tai đối với một số người nghe. Vì sự ảnh hưởng không nhỏ từ dải mid, âm sắc của các loại nhạc cụ như kèn, sáo, chũm chọe, tiếng gảy đàn của guitar… không tự nhiên, thiếu cân bằng giữa điểm cao nhất của dải mid và điểm thấp nhất của dải treble, dẫn đến việc không liền mạch; nhìn chung không được đều đặn như HD 600.

 

Với đệm “mixing”, dải âm bổng được lược bớt nhẹ các loại âm tạp không mong muốn trong bản nhạc, mặc dù vẫn có thể nghe thấy nhưng không đến mức gắt tai như đệm trước. Tuy nhiên, xét về độ truy xuất chi tiết âm thanh - các chi tiết nhỏ làm nên tổng thể thông tin âm thanh - chỉ ở mức tương đối ở cả 2 đệm tai, song vẫn tốt hơn so với dòng 6 của Sennheiser. Nếu so sánh HD 490 Pro với “người em” HD 560 S (có tên gọi khác là HD 400 Pro), đệm tai “mixing” giúp sản phẩm này vẫn tái tạo âm bổng tròn, đều mà không bị thô như HD 560 S, còn đệm tai “producer” làm cho tổng thể chất âm thiên V-shape nhiều - mất nhẹ một phần ở dải mid và có sự nhấn mạnh rõ ở 2 dải còn lại.
 

Tổng kết

Ưu điểm

Nhược điểm

Thiết kế trùm tai, cả 2 đệm tai đeo rất thoải mái; cực nhẹ và chắc chắn.

Phụ kiện đi kèm không nhiều so với các đối thủ khác.

Đệm tai “mixing” mang lại chất âm trung tính, phù hợp với nhiều người dùng và kỹ sư âm thanh.

Tính tham chiếu của sản phẩm tạm ổn, dưới mức HD 600 và trên mức HD 560 S.

Đệm tai “producer” thiên V-shaped khá dễ nghe, dành cho người dùng yêu thích chất âm sống động đến từ tai nghe có thiết kế dạng mở.

Tính kỹ thuật của chất âm từ đệm “producer” không ấn tượng.

 

Nguồn tham khảo các bài viết khác:

Mọi thắc mắc về bài viết hoặc mong muốn được tư vấn, xin vui lòng bình luận ở phía bên dưới!