Sennheiser HD560s: Vang bóng một thời

 

Cái tên “Sennheiser” không cần lời giới thiệu khi được nhắc đến trong thị trường âm thanh. Với bề dày lịch sử và rất nhiều các mẫu sản phẩm đạt thành công mỹ mãn của hãng, Sennheiser đã tạo nên một cộng đồng người hâm mộ to lớn, cứng cáp, đặc biệt rất yêu thích chất âm độc quyền của nhà Sennheiser dành cho các loại tai nghe trùm tai dành cho cộng đồng Audiophile: trung tính đến hết mức có thể. Tuy vậy, đa số các mẫu tai nghe có chất âm thiên hướng trung tính của hãng đều tập trung ở phân khúc giá khoảng 10 triệu đồng trở lên, Sennheiser vẫn chưa nhấn thân vào thị trường tai nghe giá rẻ. Vì vậy, vào năm 2020, hãng đã tung ra mẫu tai nghe trùm tai – HD560s – sản phẩm đã từng làm mưa, làm gió rất lớn trên các diễn đàn âm thanh nhờ những gì mà Sennheiser mang lại cho dòng 6 và dòng 8 nhưng với mức giá chỉ 5.400.000 đồng.

 

Thông số kĩ thuật:

  • Cấu hình driver: 1DD
  • Độ trở kháng: 120Ω
  • Độ nhạy: 110dB@1kHz
  • Dải tần phản hồi: 6Hz – 38kHz
  • THD: <0,05%@1kHz/90dB SPL
  • Loại chân cắm: 2.5mm (có khóa) sang các loại chân cắm 3.5mm/6.35mm Unbalanced.

Các phụ kiện đi kèm trong hộp bao gồm:

  • 1 dây chuyển chân cắm 2.5mm (có khóa) sang chân cắm 6.35mm, dài 3 mét.
  • 1 dây chuyển chân cắm 6.35mm sang 3.5mm.
  • 1 sách hướng dẫn sử dụng

Nguồn: rtings.com

Về mặt phụ kiện đi kèm cho các mẫu tai nghe, Sennheiser chỉ mang lại những phụ kiện cần thiết nhất cho tai nghe, một phần nhằm để giảm mức giá niêm yết. Dẫu thế, nhược điểm của hãng trong việc lựa chọn các loại phụ kiện này là dây chuyển chân cắm 2.5mm (có khóa) sang 6.35mm đi kèm với tai nghe rất dài (3 mét) nhưng lại không có sự lựa chọn loại dây ngắn hơn (khoảng 1.2 mét hoặc 2 mét). Điều này thể hiện rằng mục tiêu của hãng dành cho HD560s nhằm phục vụ các mục đích trong phòng thu âm. Tuy vậy, hãng đồng thời mang thêm cho người dùng một dây chuyển chân cắm 6.35mm sang 3.5mm tương đối to, không gọn gàng, đồng nghĩa với việc sản phẩm này có thể sử dụng chung với các thiết bị âm thanh hỗ trợ nguồn ra gọn gàng, nghe nhạc bình thường; mục đích không quá kĩ thuật.

Nhìn theo hướng tích cực, chất lượng dây đi kèm tương đối tốt, có thể chịu những thiệt hại nhỏ. Nhưng tóm gọn lại, sự lựa chọn của Sennheiser trong mảng phụ kiện có nhiều mâu thuẫn vì lợi ích của việc giảm giá niêm yết, mang lại chất âm trung tính cho với mức giá thấp nhất và Sennheiser có thể thực hiện.

 

Thiết kế, hoàn thiện và mức độ cách âm

HD560s kế thừa thiết kế cổ điển từ dòng 5 của Sennheiser, đồng thời thừa hưởng mặt tai hiện đại từ mẫu tai nghe cao cấp HD660s; giờ đây được hoàn thiện với nhựa đen mờ, mượt mà. Tuy vậy, chất liệu nhựa của HD560s không tạo độ tin tưởng cho người dùng như các mẫu tai nghe khác trong cùng hoặc dưới tầm giá như Audio Technica ATH-M40x / ATH-M50x, Beyerdynamic DT 880 / DT 990 Pro hoặc so với các sản phẩm tiền nhiệm trong dòng 5 của Sennheiser, nhưng tuổi thọ đa số sản phẩm của hãng đều được chứng minh qua khoảng thời gian rất dài (tiêu biểu nhất là HD518 trong dòng 5), vì thế người dùng không phải quá bận tâm về tính bền bỉ của sản phẩm. Nhìn về mặt tích cực của sản phẩm, việc thừa hưởng thiết kế của dòng 5 giúp HD560s mang lại trải nghiệm thoải mái cho người dùng, cùng với đệm tai nhung tương đối rộng và to, tuy rằng khi sử dụng sản phẩm trong những lần đầu tiên, lực ép có thể cao hơn so với bình thường.

Là mẫu tai nghe có thiết kế mở, HD560s không có được mức cách âm lý tưởng để sử dụng trong môi trường nhiều tiếng ồn, náo nhiệt như ngoài trời, ở các nơi công cộng…, chỉ thích hợp cho các mục đích sử dụng trong điều kiện môi trường im lặng, ít tiếng ồn như trong nhà, phòng làm việc…. Tuy vậy, với thiết kế mở này nhằm cải thiện chất âm của HD560s một cách đáng kể so với các sản phẩm tiền nhiệm trong dòng 5 của Sennheiser.

 

Chất âm

Bài viết đánh giá chất âm sản phẩm này được thực hiện dựa trên

  • Dây: dây gốc của nhà sản xuất, dây đồng mạ bạc OFC tết 8 1m.
  • DAC/ AMP: JCally JM06, dây chuyển từ cổng type-C sang cổng 3.5mm của Apple, Focusrite Solo 3rd Gen, xDuoo XD-05 Plus.
  • Nguồn: Hiby R3 Pro Saber, Samsung Note 10+; các loại tệp âm thanh định dạng MP3, FLAC, WAV, DSF (DSD64, DSD128)…

Với độ nhạy 110dB@1kHz và độ trở kháng 120Ω, Sennheiser HD560s không nhất thiết phải có AMP có nguồn ra cao; có thể cắm với đa số các loại thiết bị phát âm thanh nhờ có  độ nhạy rất cao và có được mức âm lượng tốt. Tuy nhiên, để HD560s có thể phát huy công sức toàn diện, nên phối ghép với AMP có nguồn ra ổn như JCally JM06.

Phổ tần tổng của Sennheiser HD560s (đã được chuẩn hóa tại 60dB). Nguồn: crinacle.com

Chất âm tổng thể của Sennheiser HD560s trung tính thiên sáng – dải âm bổng có nhiều âm lượng hơn so với với hai dải còn lại.

 

Dải âm trầm:

Giống với đa số các mẫu tai nghe có thiết kế mở khác, Sennheiser HD560s không có được âm lượng bass lý tưởng để tạo độ rung động; các nốt trầm của guitar bass, piano không thể hiện đầy đặn, làm cho tổng thể chất âm của HD560s thiên mỏng, không có nhiều năng lượng và có thể gây chán qua những lần nghe đầu tiên, nhưng mục tiêu ban đầu của Sennheiser dành cho sản phẩm này không phải dành cho người dùng yêu bass lực mạnh hoặc yêu các thể loại nhạc thiên âm trầm. Mục tiêu mà hãng đang hướng đến đó là mang lại cho người dùng một một mẫu tai nghe tham chiếu có chất âm “phẳng” với mức giá phải chăng – HD560s tái tạo dải bass sạch sẽ, tốc độ phản hồi ổn đối với một driver dynamic trong phân khúc 5.000.000 VNĐ và đồng thời không lan vào dải âm trung tạo hiện tượng che lấp tần số và làm khuất đi chi tiết âm thanh.

 

Dải âm trung:

Một trong những điểm đặc trưng trong chất âm của nhà Sennheiser đó là dải mid tái tạo giọng ca và nhạc cụ thiên âm trung tốt, trung tính. Giọng hát được thể hiện rõ ràng, đặc biệt đối với giọng hát nữ, tạo cảm giác sống động, rất gần gũi với người nghe, khá giống với các mẫu tai nghe dòng 6 của hãng (HD600, HD6XX/ HD650). Âm thanh các nhạc cụ được tái tạo rất chính xác, chi tiết tốt, không bị đậm, dày đặc mà cũng không bị mỏng, thiếu tính đầy đặn. Tuy vậy, ở dải mid cao có lượng âm nổi bật, làm cho tổng thể chất âm bài hát thiên sáng, các phụ âm ma sát trong giọng được nhấn mạnh, hoặc thậm chí thể hiện những nhược điểm trong dải âm trung tương đối rõ ở một số bản nhạc không được thu âm tốt. Giọng ca nam không được tái tạo đầy đặn, thiếu đi lực trầm và không nghe đã. Nhìn chung, với dải mid được HD560s hoàn chỉnh ổn, không bị dải bass tràn vào làm che khuất chi tiết âm thanh nhưng đồng thời gây chát tai do dải mid cao nổi bật, không khoan nhượng trong việc trình bày khuyết điểm của một bản thu âm kém; rất thích hợp để sử dụng cho các mục đích thu âm, trộn âm.

 

Dải âm bổng:

Dải treble của HD560s có những ưu điểm và nhược điểm không thể không nêu đến. Là một tai nghe tham chiếu với mức giá dễ dàng “với tới”, tông âm bổng của HD560s thiên sáng, đặc biệt khá nổi bật ở vùng 4kHz – 5kHz làm nhấn mạnh phụ âm ma sát trong giọng hát và các loại bộ gõ như trống lắc, chũm chọe. Điều này là điểm mạnh của sản phẩm nếu như người dùng đang mong muốn cho mình một mẫu tai nghe có chất âm kĩ thuật, thể hiện rõ chi tiết trong bản nhạc. nhưng phản tác dụng nếu như người dùng chỉ sử dụng tai nghe để nghe nhạc bình thường, không yêu cầu việc truy xuất chi tiết âm thanh tốt cho các mục đích thu âm, trộn âm, bởi dải treble có thể gây cảm giác chát tai sau khoảng thời gian sử dụng lâu dài, đồng thời phô trương những khuyết điểm trong dải này một cách rõ rệt đối với những bản thu âm kém. May mắn thay, dải âm bổng cao của HD560s được mở rộng, tạo cho chất âm thêm thoáng đãng và cũng là một phần giúp cho HD560s có được âm trường và âm hình tốt, đặc biệt với mức giá 5.400.000 VNĐ.

 

Âm trường, âm hình, âm sắc:

Với driver nghiêng góc và dải treble thiêng sáng, HD560s có được âm trường tương đối rộng đối với một tai nghe có thiết kế mở trong giá 5.000.000VNĐ, cải thiện được nhược điểm của các mẫu tai nghe dòng 5 đời trước như HD559, HD598, HD599…, thậm chí là dòng 6 cao cấp hơn như HD600, HD6XX/ HD650. Nhờ có được âm trường tốt, các nhạc cụ được thể hiện tốt, vị trí âm thanh được tái tạo chính xác. Tuy vậy, bởi dải treble nhấn mạnh ở khoảng 4kHz – 5kHz và dải bass không quá nổi bật, âm sắc của HD560s nghiêng mỏng, khá sần sùi và sắc cạnh.

 

So sánh:

Với Sennheiser HD6XX/ HD650:

Một trong những tai nghe “sống sót” trên thị trường âm thanh lâu đời nhất đó là HD600 – ra mắt vào năm 1997, HD600 đã trở thành “huyền thoại” trong giới Audiophile nhờ có dải mid và âm sắc trung tính nhất đối với một tai nghe trùm tai, đồng thời cách tái tạo giọng hát và âm sắc nhạc cụ chính xác, trung thực. Năm 2003, Sennheiser tung ra phiên bản kế nhiệm HD650 – giữ được những ưu điểm nổi trội của HD600 nhưng giảm nhẹ âm lượng của dải treble giúp người dùng có thể trải nghiệm chất âm nhẹ nhàng, thoải mái trong hàng giờ liên tục mà không gây chát tai.

Đối đầu với đàn em HD560s, HD650 khá thua thiệt trong mảng âm trường, âm hình và độ mở rộng của dải âm trầm và âm bổng. Trong khi HD560s có thể phối ghép với hầu hết các loại thiết bị phát ra nguồn âm thanh, có được mức âm lượng và chất âm ổn, HD650 phải cần một dàn DAC/ AMP tốt để có thể khai thác hết công sức của sản phẩm.

Nhìn về hướng của HD650, việc truy xuất chi tiết âm thanh trong dải mid và tính gần gũi của giọng hát được thực hiện rất tốt mà không gây chói tai như HD560s. Đồng thời dải treble của HD650 được tái tạo mượt mà, không nổi trội và thiên sáng như HD560s nhưng vẫn thể hiện đầy đủ chi tiết, góp phần giúp cho âm sắc của HD650 chính xác và trung tính. Tông dải bass của HD650 mặc dù không lan vào dải mid nhưng vẫn có đủ lực, tái tạo giọng ca nam đầy đặn hơn so với HD560s.

 

Tổng kết

Ưu điểm

Nhược điểm

Thiết kế bao trùm tai, mang lại trải nghiệm thoải mái.

Mức độ hoàn thiện không ấn tượng.

Có chất âm trung tính nhất trong tầm giá.

Phụ kiện đi kèm không ấn tượng.

Dải bass không lan vào dải mid, không gây hiện tượng che lấp tần số.

Không dành cho người dùng yêu bass hoặc bass có độ sâu.

Giọng ca gần gũi, đặc biệt đối với giọng ca nữ.

Chất âm thiên sáng, kĩ thuật, có thể gây ấm tai sau khoảng thời gian sử dụng.

Truy xuất chi tiết âm thanh tốt; âm trường rộng và thoáng đãng, âm hình thể hiện chính xác.

Âm sắc sắc cạnh, mỏng, sần sùi, không trung tính.