Nguồn: shure.com

Lời mở đầu

Trong thị trường tai nghe từ những năm trước, mỗi sản phẩm của Shure khi được ra mắt đều được người dùng đón nhận một cách nồng nhiệt, bởi chúng có một hoạc một số đặc điểm nổi bật hơn các đối thủ khác như thiết kế nhỏ gọn và cách đeo cực kỳ thoải mái trên SE215, kèm theo tính năng hỗ trợ cổng MMCX cho sản phẩm này với mức giá chỉ $99, hoặc có cấu hình driver “khủng” của SE846…. Nhưng đối với lĩnh vực tai nghe trùm tai, Shure không nhận được sự chú ý đông đảo như thế; với các mẫu tai nghe kiểm âm giá rẻ SRH440, SRH840 được ra mắt vào , mặc dù có được lượng lớn người dùng yêu chuộng, chúng không có vị trí trụ vững chắc trên thị trường và dần bị thay thế bằng các đối thủ mang lại chất lượng hoàn thiện tốt hơn, hoặc có tính năng thu gọn giúp di chuyển dễ dàng và đồng thời nằm trong cùng tầm giá, hoặc có hiệu suất tương đường nhưng với mức giá mềm hơn như Audio Technica M50, Sony MDR-7506, Sennheiser HD280 PRO, Beyerdynamic DT770 PRO…

 

Ở đâu đó trong một phòng thu âm bất kì thường sẽ có sự hiện diện kinh điển của tai nghe Audio Technica M50x, Beyerdynamic DT770 Pro, Sony MDR-7506. Nguồn: adobe.com

… nhưng Shure không đơn giản chỉ dừng lại ở đấy; hãng đã trình làng hai mẫu tai nghe cao cấp là SRH1540 vào khoảng năm 2013 – đối thủ đáng gờm của Sony MDR-Z7 lúc bấy giờ và SRH1840 vào năm 2011 – sản phẩm phục vụ cho các công việc thu âm, kiểm âm và đồng thời là câu trả lời cho sự cạnh tranh với dòng 6 của Sennheiser, đặc biệt là HD600. Trong khi SRH1540 thu hút được rất nhiều ánh mắt và làm cho Sony MDR-Z7 trở nên khó xoay sở, SRH1840 bị hiện tượng tương tự so với hai sản phẩm tiền nhiệm SRH440 – SRH840 và không được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, sản phẩm này có một số ưu điểm nổi bật mà các đối thủ khác trong cùng tầm giá không có được và vài nhược điểm làm khách hàng cảm thấy e ngại khi lựa chọn mẫu tai nghe này.

 

Trang sản phẩm: https://taingheviet.com/shure-srh1840-pr5536.html.

 

Thông số kĩ thuật:

  • Cấu hình driver: 1 DD;
  • Độ trở kháng: 65 Ω@1 kHz;
  • Độ nhạy: 96 dB/mW@1 kHz;
  • Dải tần phản hồi: 10 Hz – 35 kHz;
  • Nguồn vào tối đa: 1000 mW;
  • Loại chân cắm: MMCX (được thiết kế khác với loại chân cắm phổ thông MMCX trên các mẫu tai nghe nhét tai của Shure).

 

Các phụ kiện đi kèm sản phẩm bao gồm:

Nguồn: shure.com

  • 1 cặp đệm tai nghe dệt kim thay thế hiệu HPAEC1840;
  • 1 dây tai nghe thay thế cho SRH1840 hiệu HPASCA2;
  • 1 đầu chuyển 3,5mm sang 6,3mm tích hợp tính năng khóa hiệu HPAQA1;
  • 1 hộp đựng tai nghe hiệu HPACC2.

 

 Thiết kế, hoàn thiện và mức độ cách âm

Nguồn: headphonecheck.com

Với các mẫu tai nghe trùm tai, Shure khá thận trọng trong việc lựa chọn thiết kế sản phẩm của mình nhằm bảo đảm được độ bền lâu dài – một trong những điều giúp hãng có được tiếng tăm lớn. SRH1840 cũng không phải là nhân vật ngoại lệ - phần chụp tai được thiết kế theo hình bầu dục phù hợp với nhiều loại tai người; tổng thể ngoại hình đơn giản, không có nhiều ưu điểm riêng nổi bật hơn so với các đối thủ khác, SRH1840 vẫn mang đến một trải nghiệm đeo thoải mái trong khoảng thời gian dài cho người dùng… nếu như có kích cỡ đầu nhỏ. Các nhược điểm của sản phẩm này xuất phát từ việc phần chụp tai không có khớp xoay linh hoạt như các mẫu trong dòng 6 của hãng Sennheiser, vì thế hướng đặt đệm tai của sản phẩm song song nhau, thay vì đi theo hướng hội tụ theo đầu người (như hình).

Người dùng có kích cỡ đầu nhỏ sẽ không phải gặp vấn đề này, nhưng với một số người dùng có cỡ đầu lớn, khoảng phía sau cách vành tai người một đoạn nhỏ có thể bị ép với một lực cao hơn so với khoảng phía trước, kèm theo độ điều chỉnh đệm đầu ngắn hơn so với mẫu tai nghe HD600 nén dái tai người.

 

Nguồn: headphonecheck.com

Có thể vì một lý do nào đó về cân nặng của sản phẩm mà hãng đã chọn hướng thiết kế đệm đầu thành hai dải có bề rộng nhỏ. Điều này có thể làm tăng lực ếp đầu lên một bề mặt nhỏ hơn. Đây không phải là vấn đề xuất hiện đại trà nhưng Shure đã có thể điều chỉnh một số điểm nhỏ vặt trên mẫu tai nghe này để cải thiện mức độ đeo một mức đáng kể.

Dây custom cổng MMCX cho Shure SRH1840. Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng tham khảo qua taingheviet.com

SRH1840 hỗ trợ cổng MMCX giúp người dùng có thể thay thế dây theo ý muốn, nhưng khác với loại cổng MMCX phổ thông được sử dụng trên các mẫu tai nghe nhét tai của Shure, loại cổng này được thiết kế tương đối dài và rất thon, đồng thời cổng cắm trên tai nghe thụt sâu vào bên trong, vì thế hầu như tất cả các loại dây MMCX dành cho tai nghe nhét tai sẽ không tương thích với tai nghe SRH1840. Xét riêng, đây là loại cổng không bền bỉ và dễ dàng bị lỏng hơn khi cắm rút dây nhiều lần so với các sản phẩm hỗ trợ cổng 3.5mm kép. Nếu như cổng MMCX trên mẫu sản phẩm này lỏng, tín hiệu âm thanh thường sẽ bị ngắt quãng khi người dùng vô tình xoay hoặc chạm nhẹ vào phần kết nối cổng.

 

Nguồn: headphonecheck.com

Tuy vậy, là mẫu tai nghe của Shure, SRH1840 có mức độ hoàn thiện khá tốt nhờ sự kết hợp của nhựa cứng và kim loại. Điều này tương đối quan trọng trong các môi trường sử dụng khắc nghiệt như khi thu, kiểm âm thanh bởi việc làm rơi sản phẩm nhiều lần là điều khó có thể tránh khỏi. Mặt dù ngoại hình của mẫu tai nghe này không tỏa ra sự bền bỉ ngay từ lần nhìn đầu tiên như Beyerdynamic DT1990 PRO, Sennheiser HD600…, sản phẩm sẽ thực sự “tỏa sáng” khi người dùng trải nghiệm chúng thực tiễn.

 

Chất âm

Bài viết đánh giá chất âm sản phẩm này được thực hiện dựa trên:

  • Đệm tai: đệm đi kèm theo sản phẩm chính (sử dụng thường xuyên), đệm vải xám đậm hãng misodiko;
  • Dây: dây đi kèm theo sản phẩm chính; dây đồng mạ bac Litz được làm riêng (sử dụng thường xuyên);
  • DAC/ AMP: JCally JM06; HiBy R3 Pro Saber; Denafrips Ares II »» Schiit Audio Valhalla 2, xDuoo MT-602, Topping A90; Sennheiser HDV820; Sony Xperia X Compact (nhằm đánh giá mức âm lượng mà tai nghe có thể tái tạo được);
  • Nguồn: HiBy R3 Pro Saber (sử dụng thường xuyên), Samsung Note 10+; các loại tệp âm thanh định dạng MP3, FLAC (sử dụng thường xuyên), WAV, DSF (DSD64, DSD128)…

Với độ nhạy 96 dB/Vrms@1 kHz và độ trở kháng 65 Ω@1 kHz, Shure SRH1840 phối ghép được với hầu hết tất cả các thiết bị có hỗ trợ nguồn ra âm thanh.

 

Dải phổ tần tổng của Shure SRH1840. Dữ liệu được thu nhập bởi InnerFidelity, lấy từ stereophile.com.

Tổng thể chất âm của Shure SRH1840 trung tính, có sự cân bằng tương đối ở cả ba khoảng dải tần.

 

Dải âm trầm:

Dải âm trầm của mẫu tai nghe hội tụ khá nhiều đặc điểm cần được lưu ý. Tuy dải tần không xuống được sâu và bắt đầu hiện tượng “tuột” dải sớm ở khoảng 100 Hz, một phần do thiết kế phần chụp tai thoáng toàn phần và loại driver được hỗ trợ bên trong sản phẩm nhưng lượng bass vẫn được căn chỉnh rất chính xác và có tốc độ phản hồi nhanh. Dải mid-bass được kiểm soát tốt, không lan vào dải mid tạo hiện tượng che lấp tần số. Tuy ở khoảng tần này không có sự nhấn mạnh nhằm bù trừ cho sự thiếu hụt ở dải 100 Hz trở xuống, các nhạc cụ thiên âm trầm như trống trầm, guitar bass vẫn không bị mất đi năng lượng, tái tạo tương đối đầy đặn. Nhờ việc hỗ trợ driver dynamic, SRH1840 tái tạo được một lực căng, đập mạnh dành cho dải bass, đặc điệt đối với lực của trống trầm như ở phần dạo đầu của bản “Can You Feel My Heart” của nhóm nhạc Bring Me The Horizon. Tuy nhiên, SRH1840 sẽ không phải là mẫu tai nghe lý tưởng dành cho những ai yêu thích chất âm nhiều lượng âm trầm, hoặc âm trầm có độ sâu rõ để nghe và cảm nhận được những tần số thấp hơn, nhưng với các thể loại nhạc như pop, rock, jazz, EDM phổ thông (nếu như người dùng không yêu cầu quá nhiều lượng bass), SRH1840 hoàn toàn có thể làm thỏa mãn người dùng.

Lưu ý: Dữ liệu của DIY-AUDIO-HEAVEN cho thấy tần số tổng méo hài (được đo ở 90dB) của Shure SRH1840 rất cao.

 

Tấn số tổng méo hài ở 90 dB của Shure SRH1840 (riêng kênh trái). Dữ liệu được thu nhập bởi DIY-AUDIO-HEAVEN, lấy từ diyaudioheaven.wordpress.com. 
Đường màu đỏ: sóng hài bậc 2; cam: sóng hài bậc 3; xanh lá: sóng hài bậc 5.

Điều này được nhiều nhà phê bình, xét riêng Sonarworks có nhận xét:

          “…Biểu đồ thể hiện sóng hài bậc 3 của SRH1840 không giống với các mẫu tai nghe tham chiếu tân thời chúng tôi đã đo. Dải sub-bass thông thường có thể có một lượng méo hài nhỏ, trong nhiều trường hợp có thể không phát hiện được khi sử dụng sản phẩm trong thực tế, tuy nhiên trong trường hợp này, độ méo hài của SRH1840 kéo đến dải âm trung thấp, thậm chí vượt qua 300 Hz. Độ méo hài bậc 3 cao không chỉ đơn thuần biểu hiện rõ rệt trên biểu đồ mà còn dẫn đến sự biến dạng từ sub-bass đến dải mid thấp…”.

Theo DIY-AUDIO-HEAVEN, lý do SRH1840 có độ sóng hài cao bất thường là vì driver bị giảm dao động quá mức, làm hạn chế sự chuyển động của không khí ở mức áp suất âm thanh cao hơn. Khi nghe sản phẩm với mức âm lượng thấp, lượng âm trầm được tăng lên 3dB/div so với khi nghe sản phẩm với mức âm lượng cao. Đây chính là một phần kết quả (cả trên biểu đồ và thực tiễn) của sự tác động của độ sóng hài cao, có thể là do lỗi thiết kế của mẫu tai nghe này.

(Để tìm hiểu thêm chi tiết về độ méo hài của SRH1840 một cách khách quan, chuyến đến bản báo cáo phân tích của DIY-AUDIO-HEAVEN tại đây).

 

Dải phổ tần tổng ở các âm lượng khác nhau của Shure SRH1840. Dữ liệu được thu nhập bởi DIY-AUDIO-HEAVEN, lấy từ diyaudioheaven.wordpress.com. 
Đường màu đỏ: ở 97dB SPL; hồng: 90 dB SPL; xanh dương: 80dB; xanh lá: 70dB.

 

Dải phổ tần tổng ở các âm lượng khác nhau của Shure SRH1840 (được xếp chống lên nhau). Dữ liệu được thu nhập bởi DIY-AUDIO-HEAVEN, lấy từ diyaudioheaven.wordpress.com. 
Đường màu đỏ: ở 97dB SPL; hồng: 90 dB SPL; xanh dương: 80dB; xanh lá: 70dB.

Điều này đồng nghĩa với việc sử dụng SRH1840 cho mục đích phân tích âm thanh riêng ở dải này là không ổn. Nhưng đối với đa số người dùng chỉ sử dụng mẫu tai nghe này cho mục đích nghe nhạc thông thường, vấn đề về độ méo hài sẽ không dễ dàng bị phát hiện.

 

Nguồn: https://www.flickr.com/photos/mastercontrolmedia/47782476841/in/photostream/.

Dải âm trung:

Mục tiêu của Shure trong dải này đối với dòng SRH “Shure Reference Headphones”  đó là mang lại một chất âm trung trung tính, phù hợp để sử dụng trong các lĩnh vực hoàn thiện bản thu âm hoặc phân tích âm thanh, hoặc đơn thuần chỉ làm thỏa mãn người dùng có yêu cầu cao về độ trung tính của chất âm, và SRH1840 đã thực hiện được những điều này tương đối tốt, đặc biệt trong phân khúc giá chứa rất nhiều đối thủ cạnh tranh như Sennheiser HD600, HIFIMAN Edition XS.

Bởi mẫu tai nghe này không có sự nhấn mạnh riêng biệt ở khoảng tần nào trong dải âm trầm, dải mid-thấp nhìn chung được tái tạo nhanh và rõ ràng, không bị mất chi tiết nhưng đồng thời các nốt trầm trong giọng ca nam vẫn được thể hiện đầy đặn, không bị thiếu hụt năng lượng; khoảng tần mid-thấp làm nên độ căng của trống lẫy được tái tạo chắc chắn và sôi động. Tiến đến khoảng dải âm trung cao hơn tập trung nhiều thông tin âm thanh nhất trong một bản nhạc thông thường như đàn guitar, piano, các loại đàn điện tử, giọng hát… SRH1840 gần như không có điểm khuyết nào trong việc đem lại cho người dùng một chất âm trong trẻo, trung tính với một lượng nhấn mạnh nhẹ ở khoảng 2kHz – 5kHz nhằm tăng độ nổi bật của giọng hát, đặc biệt đối với các ca sĩ nữ. Tuy vậy, điều này có thể làm cho chi tiết âm thanh trong khoảng tần này khô đối với một số bản nhạc được thu âm sáng hơn bình thường, hoặc gây chói tai đối với thiểu số. Có thể một phần do thiết kế phần chụp tai mở nhưng cả dải mid-cao không bị hiện tượng tần số cộng hưởng, có nghĩa các nốt trong một loại âm thanh được thể hiện đồng đều và mượt mà, không làm thay đổi âm sắc.

 

Dải âm bổng:

Đối với đa số các lại tai nghe trùm tai hỗ trợ driver dynamic, việc tái tạo dải âm bổng hoàn chỉnh không phải là ưu điểm mạnh nhất, và SRH1840 cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Dải tần số không được mở rộng nhiều, vì thế các chi tiết âm thanh nhỏ từ 10kHz trở lên không được thể hiện và thường bị che lấp bởi dải tần khác. Mặc dù vậy, các thông tin cơ bản trong dải này như trống chêng, trống lắc, chũm chọe hoặc các loại bộ gõ thiên âm bổng khác vẫn được tái tạo tương đối trong trẻo, nhẹ nhàng, kèm theo đó là mức độ phụ âm ma sát trong giọng hát không bị nhấn mạnh quá mức, giữ cho chất âm không gây chát tai và thích hợp để nghe trong khoảng thời gian dài. Nhìn chung, tông âm bổng của SRH1840 không thiên sáng, nhưng cũng không thiên tối, vậy nên đây sẽ là sự lựa chọn an toàn nhất cho người dùng có đôi tai nhạy cảm với các tần số cao hoặc chỉ đơn giản muốn mua một chiếc tai nghe tham chiếu an toàn nhất, không quan tâm nhiều về thông tin chi tiết và hiệu suất của sản phẩm.

 

Nguồn: headphonecheck.com

Âm trường, âm hình, âm sắc:

SRH1840 không đẩy được chiều rộng của âm trường ra xa, vì thế các thông tin âm thanh được thể hiện tương đối gần và sát tai. Nhưng điều không phải là nhược điểm riêng của sản phẩm bởi đa số các mẫu tai nghe hỗ trợ driver dynamic đều không thể tái tạo được âm trường rộng như loại driver từ phẳng. Vị trí đặt nhạc cụ của mẫu tai nghe này chủ yếu đặt ở 3 vị trí chính trái-giữa-phải nhưng không tán đều ra khoảng âm trường SRH1840 có được. Tuy vậy, âm sắc của sản phẩm được tái tạo khá chính xác; các loại nhạc cụ thiên âm trung như guitar, piano có âm điệu trung tính.

 

So sánh

Với Sennheiser HD 650/ HD 6XX:

Sennheiser HD 650 (2020). Nguồn: sennheiser.com

Hai sản phẩm này dạo đầu có mức giá gần bằng nhau, nhưng khi so sánh HD 650 và SRH1840 qua cách đánh giá A-B, chúng có khá nhiều điểm khác biệt nhỏ tạo nên nhiều loại cảm nghĩ khác nhau từ nhiều người dùng đối với sản phẩm.

Là một mẫu tai nghe được thừa hưởng thiết kế đặc trưng của dòng 6 (thiết kế này xuất hiện đầu tiên trên mẫu tai nghe HD 580 Precision – tai nghe flagship hỗ trợ driver dynamic năm 1994 của Sennheiser), HD 650 hẳn không quá xa lạ đối với người dùng trong các diễn đàn âm thanh về độ bền và tính lâu dài của sản phẩm. Nhờ có thiết kế này, mọi phần cứng trên HD 650 như phần đệm tai, đệm đầu, vỏ nhựa ngoài hoặc thậm chí là cả driver đều có thể dễ dàng thay thế mà không cần bất cứ ốc vít nào. Phần chụp tai của HD 650 có thể xoay, giúp tai nghe ôm sát đầu mà không tạo điểm cấn nào. Tuy nhiên, lực kẹp của HD 650 có phần nhỉnh hơn so với SRH1840 khi mới sử dụng, nhưng điều này có thể khắc phục bằng cách áp một lực mạnh vào thanh kim loại nối phần chụp tai và phần đệm tai. Sự kết hợp giữa nhựa cứng và kim loại trên HD 650 mang lại sự tự tin cho người dùng nhiều hơn SRH1840 bởi sản phẩm đã được kiểm chứng qua thời gian và nhận được rất nhiều lời bình luận tích cực riêng về mảng này.

 

Sennheiser x Massdrop HD 6XX. Nguồn: soundguy.com

Sơ lược nhanh về chất âm của Sennheiser HD 650: mẫu tai nghe này có tông âm thiên tối – dải bass được nhấn mạnh nhẹ, đặc biệt ở khoảng tần mid-bass nhưng vẫn có nhược điểm đặc trưng trên các tai nghe hỗ trợ driver dynamic có thiết kế phần chụp tai mở về độ sâu của dải tần số; có cách tái tạo dải âm trung kinh điển của Sennheiser và được số đông rất yêu chuộng bởi giọng hát và nhạc cụ thiên âm trung được thực hiện sát tai, tạo cảm giác gần gũi; dải âm bổng được hãng tinh chỉnh tối nhằm một phần phản ánh về sự thay đổi mong muốn của người dùng cho “huyền thoại” HD 600, giúp cho chất âm của HD 650 nhẹ nhàng hơn, có thể nghe trong khoảng thời gian dài mà không gây nhức tai nhưng cũng đồng thời gây chán khi trải nghiệm sản phẩm này lần đầu. HD 650 nói riêng và dòng 6 của Sennheiser nói chung (trừ HD 660s) cũng là một ví dụ điển hình cho thuật ngữ “veiled” – thường được sử dụng ở các diễn đàn âm thanh nước ngoài khi nói về vấn đề truy xuất chi tiết âm thanh yếu, mặc dù âm lượng của dải âm trung và âm bổng vẫn có đủ. Mảng âm trường, âm hình và âm sắc của HD 650 khá giống với SRH1840 ở điểm có âm trường tương đối hẹp và vị trí các nhạc cụ không được trải dài ra khoảng không gian âm trường mà chỉ tập trung chủ yếu ở 3 phía trái-giữa-phải. Xét chung cho chất âm và tính kĩ thuật của HD 650, đây sẽ là mẫu tai nghe phù hợp nhất để nghe các một số thể loại EDM mà không quan âm nhiều đến dải sub-bass; nhạc cổ điển, jazz, luân chuyển/ độc lập, reggae…, hoặc muốn sử dụng cho mục đích phân tích âm thanh nhẹ, nghe nhạc trong khoảng thời gian dài, còn SRH1840 có chất âm sáng hơn sẽ thích hợp để nghe các thể loại nhạc rock, pop hoặc các bản nhạc có nguồn năng lượng cao, tập trung nhiều vào phần âm bổng để tạo thêm độ sống động.

 

Sennheiser HD 650 (2020). Nguồn: headphonecheck.com

Tuy vậy, là một mẫu tai nghe đã được ra mắt vào 2004, HD 650 (và cả người anh HD 600) vẫn là biểu tượng trong cộng đồng âm thanh, là điểm chuẩn trong thị trường tai nghe trùm tai và có tầm ảnh hưởng rất cao đối với các hãng khác. Đê lên được vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này không chỉ đơn giản là có được dải phổ tần tổng trung tính, HD 650 còn có các thông số kĩ thuật khác ấn tượng hơn nhiều so với SRH1840 như về tổng độ méo hài, hoặc tính nhất quán của dải phổ tần tổng ở các mức áp suất âm thanh (SPL) khác nhau, sự trung tính và âm sắc có độ chính xác cao, đặc biệt ở dải âm trung và âm bổng…. Mặc dù HD 650 không phải là một sản phẩm hoàn hảo về mọi mặt diện so với các mẫu tai nghe tham chiếu  tân thời hoặc các đối thủ sử dụng driver planar trong cùng tầm giá, song HD 650 vẫn là một trong những mẫu tai nghe chính đáng được nằm trong danh sách mua của nhiều khác hàng, và SRH1840 sẽ là một sự lựa chọn phụ.

 

Với HiFiMAN Edition XS:

Nguồn: moonstarreviews.net

Nhắc đến HiFiMAN trong cộng đồng âm thanh, loại ý kiến được nhận nhiều nhất về các loại sản phẩm của hãng là mang lại một chất âm vô cùng ấn tượng từ loại driver từ phẳng với mức giá rẻmức độ hoàn thiện sản phẩm của hãng còn phải cải thiện rất nhiều. Nhắc đến mức độ hoàn thiện, Edition XS cũng không hẳn là một mẫu tai nghe không được lắp ráp chắc chắn, nhưng so với SRH1840, độ bền bỉ và tính lâu dài của sản phẩm vẫn còn là một nghi vấn đối với nhiều người. Tuy vậy, ngôn ngữ thiết kế và tính thực dựng của Edition XS khá cao. Sự kết hợp giữa phần chụp tai hình quả trứng trên mẫu Ananda và phần đệm đầu dày trên các mẫu mới của dòng HE (như HE400SE) cho ra kết quả là một sản phẩm đem đến sự thoải mái khi đeo cho người dùng là vô cùng ấn tượng. Tuy vậy, Edition XS cần có một diện tích tiếp xúc với đầu khá to để có thể tạo một khoảng kín nhằm tái tạo hoàn chỉnh dải bass và không làm đẩy thêm lượng âm bổng. Người dùng có kích cỡ đầu nhỏ hơn so với phần chụp tai của mẫu sản phẩm này có thể không đạt được điều này, và chất âm khi nghe được bị thiếu đi nhiều năng lượng ở bass và tông âm của Edition XS trở nên sáng hơn, so với cách đeo SRH1840 phù hợp với đại đa số.

 

Nguồn: tinhte.com

Không thể phủ nhận rằng Edition XS là một mẫu tai nghe hỗ trợ driver từ phẳng có tính kĩ thuật cao hơn nhiều so với các đối thủ sử dụng driver dynamic trong cùng tầm giá như Sennheiser HD 650 và chính Shure SRH1840. Về âm trường, Edition XS hoàn toàn tung SRH1840 khỏi mặt trước với âm trường rất rộng trong tầm giá, một phần do loại driver đuọc sử dụng và kích thước của phần chụp tai giúp phân tán âm thanh rộng hơn. Vị trí nhạc cụ được đặt đều trong khoảng không gian âm trường và không hội tụ lại tại riêng một điểm nào. Ví dụ điển hình để kiểm tra hai tính kĩ thuật trong âm thanh này là bản “Letter” của Yoshi Horikawa, khi Edition XS cho ra một chất âm siêu chân thật và “3D”; phần dạo đầu của bản nhạc có tiếng bút chì viết trên giấy chuyển từ kênh trái sang kênh phải được thể hiện mượt mà, đều, trong khi SRH1840 có cách tái tạo khá hẹp, không tạo cảm giác “3D” và tự nhiên như Edition XS.

Ngoài ra, tông âm của Edition XS là một trong những điểm nổi bật hơn so với các loại tai nghe hỗ trợ driver dynamic bởi dải tần số có được độ sâu và mở rộng của dải tần. Dải âm trầm được tái tạo rất “phẳng”, không có điểm nhấn nào trong khoảng dải này, cùng với đó là tốc độ phản hồi rất nhanh so với driver dynamic và chi tiết âm thanh được thể hiện rõ. Phần dải âm trung khoảng 1kHz – 2kHz được đẩy lùi nhằm một phần nào đó cải thiện thêm độ rộng của âm trường, tạo cảm giác không gian âm thanh rộng hơn. Điều này có thể làm cho giọng hát trong khoảng tần số này có cảm giác như bị mất hơi hoặc nhạc cụ không được thể hiện đầy đủ. Đối với các bộ gõ thuộc dải âm bổng như chũm chọe, trống lắc, Edition XS tái tạo chi tiết một cách tuyệt vời. Đàn guitar và các loại đàn dây được thể hiện trong sạch nhưng không gây quá chói tai, và cả tiếng phụ âm ma sát trong giọng hát được giữ gọn, không làm cho tổng thể chất âm quá sáng.

 

Nguồn: ecoustics.com

Tuy nhiên, cảm nghĩ của người dùng sẽ rất khác nhau khi nghe cách tái tạo chất âm của riêng Edition XS và đa số các mẫu tai nghe hỗ trợ driver từ phẳng nói chung. Một số cho rằng tốc độ phản hồi của loại driver quá nhanh, làm mất đi độ trung tính mà driver dynamic luôn có như SRH1840. Đồng thời dải âm trầm không có được chất lượng lực căng và đập mạnh đặc trưng của driver dynamic, mà chỉ thể hiện được âm lượng của nó. Các điều này thường làm thay đổi đi tính trung thực của âm sắc của các nhạc cụ trong một bản nhạc, nhưng xét về góc độ khách quan, Edition XS sẽ là sự lựa chọn hàng đầu dành cho những ai thường nghe các loại EDM, nhạc rock, pop hoặc mong muốn có một mẫu tai nghe có âm trường rộng, âm hình chính xác hoặc có thể nghe hết tất cả các chi tiết trong những bản nhạc.

Tổng kết

Ưu điểm

Nhược điểm

Thiết kế công thái học; đệm tai dệt kim thay thế tốt; mức dộ hoàn thiện tương đối

Đệm đầu không thoải mái đối với một số người dùng có kích thước đầu lớn.

Phụ kiện đầy đủ, đồng thời kèm theo phụ kiện thay thế cho sản phẩm.

Sự lựa chọn MMCX trên tai nghe trùm tai không đảm bảo được tính lâu dài.

Dải bass chi tiết tốt, tốc độ phản hồi nhanh, lực căng; thích hợp để nghe các thể loại nhạc như pop, rock, jazz, EDM phổ thông.

Dải tần không xuống sâu; không dành cho những ai yêu thích nhiều lượng bass hoặc bass có độ trầm sâu; tần số méo hài tập trung rất nhiều ở dải bass và có tính nhất quán cao; không phù hợp cho mục đích sử dụng để phân tích âm thanh ở riêng dải này.

Dải âm trung trung tính, với sự nhấn mạnh nhẹ ở dải âm trung cao nhằm tăng chi tiết giọng hát và nhạc cụ.

Có thể tái tạo âm thanh thô, hoặc gây chát tai đối với người dùng có đôi tai nhạy cảm ở vùng tần số này (dải tần tập trung đa số giọng người).

Dải âm bổng không thiên sáng, cũng không thiên tối; tái tạo đủ chi tiết của các nhạc cụ thiên âm bổng; các phụ âm ma sát trong giọng hát hoặc giọng nói bình thường được giữ lại, không gây chói tai.

Dải tần không được mở rộng, các chi tiết âm thanh từ 10kHz trở lên bị che lấp, thiếu tính sức sống.

Âm sắc ở dải âm trung chính xác

Âm trường hẹp; vị trí nhạc cụ không phân tán ra rộng trong không gian và tập trung ở 3 phía trái-giữa-phải.