KZ – là một cái tên quá quen thuộc trong cộng đồng đam mê âm thanh nhờ việc nhắm mục tiêu vào thị trường tai nghe nhét tai giá thấp, mang lại cho người dùng các sản phẩm “ngon-bổ-rẻ”. Tuy vậy, đa số các mẫu tai nghe của hãng hoặc sự ra mắt gần đây của ZEX đều nhận được rất nhiều phản hồi từ đông đảo người dùng cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Đến với CRN (ZEX Pro) – màn tái xuất mới nhất của KZ với sự hợp tác giữa hãng và Crinacle –một nhà phê bình âm thanh nổi tiếng có kho dữ liệu phổ tần đồ sộ và nhiều dự án hợp tác thành công khác như Blessing 2: Dusk, Yume: Midnight… , đã làm rầm rộ trên các diễn đàn âm thanh nước ngoài với khẩu hiệu mới “A Taste of the Top” (hương vị của sự đỉnh cao).
Thông số kĩ thuật:
- Cấu hình driver: 1 DD + 1 Electret + 1 BA 30095
- Trở kháng: 25 Ω
- Độ nhạy: 104dB
- Dải tần phản hồi: 20Hz – 40kHz
- Loại chân cắm: qdc 0,75mm 2-pin
Các phụ kiện đi kèm trong hộp bao gồm:
Nguồn: hifigo.com
- 3 cặp nút tai KZ Starline kích cỡ S/ M (được đính sẵn trên tai nghe)/ L
- 1 dây qdc 0,75mm 2-pin sang chân cắm 3,5mm dài 1,2m (có 2 phiên bản: mic và không mic)
- 1 phiếu hướng dẫn sử dụng, phiếu bảo hành; 1 tem QC
- 1 cặp IEM (chính)
Lưu ý: ZEX Pro là phiên bản thử nghiệm của KZ x Crinacle trước khi công bố CRN nhằm mục đích xem các phản hồi của người dùng về ‘chất âm mới’. Điểm khác biệt giữa CRN và ZEX Pro nằm ở phần logo của Crinacle nằm trên thân tai nghe nhưng cả hai phiên bản đều có phụ kiện, thiết kế và chất âm giống nhau.
Thiết kế, hoàn thiện, mức độ cách âm
Khác so với đa số các mẫu tai nghe khác của KZ, CRN được thiết kế theo hướng công thái học giúp sản phẩm có thể bám trên tai chắc hơn và mang lại trải nghiệm cực kỳ thoải mái… đối với ít đối tượng sử dụng. Mặt bên trong thân tai có thể gây khó chịu đối với một số người dùng hoặc chỉ đơn giản rằng không tương tích với tai, một phần khác do ống tai của CRN tương đối dài cho một mẫu tai nghe có thiết kế công thái học và kích thước to. Tuy vậy, mức độ hoàn thiện của CRN ổn nhờ sự kết hợp giữa mặt tai nghe hợp kim kẽm và vỏ resin, không tạo cảm giác rẻ mạt và có tính lâu bền hơn.
Trên mặt tai nghe CRN có lỗ thoát khí lộ rõ giúp cải thiện trải nghiệm đeo, không bị bí bách khi sử dụng lâu dài và đồng thời góp phần vào việc tùy chỉnh chất âm cuối cùng. Việc này ảnh hưởng đến độ cách âm của CRN một chút, nhưng tùy vào mục đích sử dụng như chỉ nghe nhạc trong môi trường không quá mức ồn ào, đây không hẳn là nhược điểm lớn của sản phẩm.
Chất âm
Bài viết đánh giá chất âm sản phẩm này được thực hiện dựa trên dây cáp sẵn có của nhà sản xuất; nút tai: Moondrop Spring Tips, [Final E Type cỡ L + Hybrid mod], Spinfit CP100 cỡ M, KZ Starline cỡ M; Dac/ Amp: JCally JM6, JCally JM20; Nguồn: Hiby R3 Pro Saber, Samsung Galaxy Note 10+, Laptop; tệp định dạng MP3, FLAC, DSD128…
Với độ nhạy 104dB và trở kháng 25Ω, KZ ZEX Pro (x Crinacle CRN) có thể phối ghép với hầu như tất cả các thiết bị có nguồn xuất âm thanh.
Phổ tần tổng của KZ ZEX Pro (x Crincale CRN) (đã được chuẩn hóa tại 60dB với phổ tần chuẩn IEF). Nguồn: crinacle.com
Chất âm của KZ ZEX Pro (x Crinacle CRN) trung tính thiên bass – chỉ dải bass được nhấn mạnh rõ hơn, trung tính ở các dãy còn lại.
Phần âm trầm:
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa CRN và đa số các mẫu tai nghe khác của KZ đó là dải bass. Trong khi chất âm V (dải âm trầm, low-mid và dải âm bổng được nhấn mạnh rõ hơn so với các dải tần số còn lại) mà KZ hay hướng tới dành cho đối tượng người dùng phổ thông, CRN cắt bớt đi lượng low-mid và chỉ tập trung làm nổi bật ở mỗi dải bass. Nhờ vậy, sản phẩm này có thể tái tạo tổng thể chất âm trong sạch hơn, thể hiện đặc biệt nhất ở những bản nhạc có các nốt trầm chơi nhanh nhưng vẫn giữ được một lượng nhỏ đặc tính ‘thú vị’, vui tươi, không gây nhàm chán ngay trong những phút đầu lắng nghe.
Để đạt được chất âm trong sạch như thế này chỉ với mức giá dưới 1 triệu, CRN phải đánh đổi những ưu điểm khác mà chất âm cũ của KZ có được: dải bass của CRN không thể hiện rõ chi tiết và thiếu một chút sự sinh động, một phần do thiếu tính đặc trưng của driver dynamic về độ rung sôi động của dải bass, và tốc độ phản hồi dải âm trầm không đặc sắc. Tuy nhiên, với mức giá chỉ 850.000 VNĐ, sự khiêm tốn trong cách thể hiện dải bass của CRN giúp sản phẩm có thể hướng đến nhiều đối tượng người dùng ‘khó tính’ hơn.
Phần âm trung:
Nhờ việc chất âm được tùy chỉnh theo hướng mới, CRN có thể tái tạo được dải mid một cách gọn gàng, sạch sẽ mà không bị che lấp bởi dải low-mid. Cả dải mid đều được phân bố đều, không nhấn mạnh nhiều ở bất kỳ phần nào nhằm cho đa số nhạc cụ thiên âm trung được thể hiện đầy đặn, nổi bật nhất ở phần giọng hát nữ và nam có lượng chi tiết tương đối. Tuy nhiên, ở dải high-mid tái tạo giọng hát khá thô, không được mượt mà và làm mất độ trung tính của chúng. Các phụ âm ma sát của giọng ca vẫn còn nằm trong bản nhạc nhưng chỉ ở mức trung bình, không quá rõ để gây cảm giác chát tai khi nghe sản phẩm trong khoảng thời gian dài. CRN đã thực hiện tốt về việc tùy chỉnh tổng thể chất âm giúp dải mid thể hiện tốt hơn so với các đối thủ khác trong cùng tầm giá có chất âm thiên V.
Phần âm bổng:
Dải treble được tái tạo trên CRN tuy không gây khó chịu, chói tai như các mẫu tai nghe đời trước của KZ đối với một số người dùng, sản phẩm này cũng không thực hiện bất cứ điều gì đặc biệt hơn so với các đối thủ khác. Dải tần số không được mở rộng; các nhạc cụ thiên âm bổng như chũm chọe, chiêng... thiếu tính lấp lánh nhưng không gây cả chất âm thiên tối. Theo thông tin từ trải nghiệm của một số người dùng, tần số đỉnh 8kHz khá nổi bật và có xu hướng đẩy tiếng ‘s’ nằm trong dải âm bổng, lấy một ví dụ thể hiện nhược điểm này nổi bật nhất ở đoạn điệp khúc đầu tiên bản “Thoughtcrime” của Yorushika. Tuy nhiên, các bộ gõ vẫn được thể hiện đều, chỉ rằng không tái tạo đầy đủ chi tiết và thiếu sự sôi nổi.
Âm trường, âm hình, âm sắc:
Thông thường, đa số các mẫu tai nghe nhét tai không thực hiện tốt về âm trường, đặc biệt trong phân khúc giá này khó có thể tái tạo độ sâu các nhạc cụ trong bản nhạc, một phần do cách thức hoạt động của tai nghe nhét tai và CRN không phải là trường hợp ngoại lệ. Âm sắc của CRN có phần sắc cạnh, không liền lạc và thiếu đi sự trung tính. Tuy vậy, trong phân khúc giá này, tổng thể tính kỹ thuật của CRN vẫn có sức cạnh tranh hơn so với các đối thủ trong cùng tầm giá về cách tái tạo vị trí của các nhạc cụ trong bản nhạc, mặc dù đôi lúc CRN gặp nhiều khó khăn tái tạo độ liền mạch ở một số bản nhạc có nhiều thông tin âm thanh chơi cùng lúc.
Tổng kết
Ưu điểm |
Nhược điểm |
Mức độ hoàn thiện tốt; có độ bền cao. |
Dải high-mid tái tạo giọng ca thô. |
Dây đi kèm sản phẩm có chất liệu tốt hơn so với phiên bản tiền nhiệm của KZ và dây của các mẫu tai nghe khác trong phân khúc. |
Dải âm bổng thiếu tính sôi nổi. |
Dải bass thực hiện tốt, ít tràn vào dải mid. |
Tính kỹ thuật không ấn tượng; âm sắc sắc cạnh, không trung tính.
|
|
|
Tác giả: An