Trong thị trường tai nghe nhét tai gần đây với các hãng đang cố gắng nhồi nhét thật nhiều loại driver hay những công nghệ ‘nóng’ nhất hiện nay như driver từ phẳng vào một chiếc vỏ bé xíu, hoặc tùy biến chất âm thiên trung tính của tai nghe đến hết mức có thể, cảm giác thật thú vị lạ thường khi quay ngược lại xu thế với các mẫu tai nghe hỗ trợ 1 micro driver dynamic trong phân khúc giá khoảng 5 triệu và có một chất âm hướng đến ít đối tượng người dùng. Một trong số những nhân vật điển hình trên chưa được nhiều sự chú ý đó là Final Audio Design E4000.

 

Thông số kĩ thuật:

  • Cấu hình driver: 1 DD
  • Trở kháng: 15 Ω
  • Độ nhạy: 97dB
  • Loại chân cắm: MMCX

 

A picture containing indoorDescription automatically generated

Các phụ kiện đi kèm trong hộp đi kèm sản phẩm Final Audio Design E4000 .Nguồn: audiorealviews.com

Các phụ kiện đi kèm trong hộp bao gồm:

  • 5 cặp nút tai Final type E kích cỡ SS/ S/ M/ L/ LL
  • 1 hộp đựng tai nghe bằng silicon
  • 1 cặp móc vành tai
  • 1 móc đa năng
  • 1 cặp tai nghe đính kèm dây MMCX (chính)

 

Thiết kế, hoàn thiện và mức độ cách âm

Là mẫu tai nghe kế nhiệm E2000 đi trước, E4000 thừa hưởng được thiết kế hình viên đạn vô cùng tối giản nhưng sang trọng, có thể dễ dàng đeo và tháo ra khỏi tai. Kèm thêm ưu điểm E2000 có được như thân tai nghe làm từ nhôm phủ đen chống gỉ đều xuất hiện trên E4000, giúp cho tổng thể sản phẩm nhẹ nhàng, mang lại cảm giác đeo thoải mái, thích hợp để sử dụng tai nghe trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, một nhược điểm mà E4000 nói riêng và nhiều mẫu tai nghe của Final Audio Design nói chung hay gặp phải đó là dây gốc đi kèm sản phẩm rất mỏng và không thẳng, có xu hướng rối. May thay, sản phẩm hỗ trợ dây cắm tháo rời dạng MMCX, giúp người dùng có thể tùy biến dây gốc sang các loại dây khác để cải thiện độ bền và ngoại hình dây một cách đơn giản.

Nhờ thiết kế đóng, mức độ cách âm trên E4000 tương đối ổn, đồng thời với lỗ thoát khí nằm cạnh cổng MMCX giúp cho người dùng tránh hiện tượng bí bách khi đeo tai nghe.

 

Chất âm

Bài viết đánh giá sản phẩm này được thực hiện dựa trên các phụ kiện: nút tai: Final Audio type E kích cỡ M (sử dụng thường xuyên), Moondrop Spring Tips; Dac/ Amp: JCally JM6, JCally JM20; Nguồn: Samsung Galaxy Note 10+, Laptop, Hiby R3 Pro Saber; tệp định dạng MP3, FLAC, DSF…

Với độ trở kháng 15Ω và độ nhạy 97dB, Final Audio Design E4000 cần AMP hỗ trợ nguồn ra cao; tương đối khó để kéo đến mức âm lượng mong muốn.

Dải phổ tần tổng của Final Audio Design E4000 (đã được chuẩn hóa tại 1kHz với phổ tần chuẩn IEF). Nguồn: crinacle.com

Chất âm của Final Audio Design E4000 trung tính thiên ấm – lượng bass và dải mid-thấp được nhấn mạnh rõ hơn nhưng trung tính ở các dãy còn lại.

 

Dải âm trầm:

Dải tần bass của Final Audio Design E4000 (đã được chuẩn hóa tại 1kHz với phổ tần chuẩn IEF). Nguồn: crinacle.com

Điểm dễ nhận dạng nhất khi trải nghiệm tai nghe E4000 lần đầu tiên hoặc cách tùy chỉnh chất âm đặc trưng của Final dòng E nói chung đó là dải bass có nhiều lượng, một phần tạo nên đặc điểm của chất âm trung tính thiên ấm. Trong khi các mẫu tai nghe hướng theo chất âm có dải bass “cứng”, kĩ thuật để nâng độ chi tiết âm thanh, E4000 tái tạo dải này một cách mượt mà, trải đầy dải tần, cho một trải nghiệm nhẹ nhàng và êm tai. Tuy vậy, khi nghe các bản nhạc có nốt trầm chơi nhanh như “Last Surprise” của Lyn với E4000 sẽ thể hiện nhược điểm của sản phẩm ở phần tốc độ phản hồi; không tái tạo chi tiết từng nốt và thường bị đan dính lại với nhau. Dải tần số không được kéo xuống sâu và ít tạo được độ rung sống động của dải bass.

 

Dải âm trung:

Dải tần mid của Final Audio Design E4000 (đã được chuẩn hóa tại 1kHz với phổ tần chuẩn IEF). Nguồn: crinacle.com

Một trong những điểm không thể thiếu trong mẫu tai nghe có chất âm trung tính thiên ấm là dải mid ấm, được nhấn mạnh nhiều ở dải mid-thấp. Đối với giọng ca nữ và các nhạc cụ thiên âm trung, độ chi tiết không được E4000 tái tạo rõ ràng nhưng đối với giọng ca nam, E4000 thật sự thể hiện hết sức mình với giọng trầm mạnh mẽ, trung thực. Dải mid-cao trên sản phẩm này đồng thời được tùy chỉnh cực kỳ nhẹ nhàng, mượt mà, không nhấn mạnh nhiều và có thể nghe liên tục nhiều giờ mà không gây cảm giác mệt mỏi, nhưng vẫn còn một yếu tố khác giúp tổng thể chất âm của E4000 theo hướng dễ nghe, thoải mái…

 

Dải âm bổng:

Dải tần mid của Final Audio Design E4000 (đã được chuẩn hóa tại 1kHz với phổ tần chuẩn IEF). Nguồn: crinacle.com

Việc hướng đến một chất âm không quá kĩ thuật, dễ nghe không thể không quên có dải treble mượt mà, nhẹ nhàng. Một trong những nhược điểm trên E4000 nói riêng hoặc các mẫu tai nghe trong phân khúc được tùy chỉnh theo chất âm trung tính thiên ấm thường bắt gặp đó là dải tần số không được mở rộng, độ chi tiết âm thanh không được tái tạo rõ ràng, đặc biệt ở các bộ gõ như chiêng, chũm chọe… thường thiếu chi tiết nhưng nhìn theo hướng tích cực, đây là sản phẩm có chất âm thích hợp nhất đối với đối tượng người dùng thường nghe nhạc hip-hop, điện tử hoặc Jazz nhiều; không gây mệt mỏi, choáng ngợp khi nghe trong khoảng thời gian dài, một phần nhờ việc không nhấn mạnh ác phụ âm ma sát trong giọng ca.

 

Âm trường, âm hình; âm sắc:

Âm trường trên Final Audio Design E4000 tương đối ‘thân mật’, không quá rộng, một phần do sự hiện diện nổi bật ở dải bass và mid-thấp nhưng đủ làm thỏa mãn đa số người dùng hướng đến thể loại tai nhét tai. Tuy cả âm trường và âm hình không phải là ưu điểm của E4000 và thường hay đan dính các nốt ở những bản nhạc có nhịp nhanh, âm sắc ở mặt khác tương đối trung tính, thể hiện trung thực các chi tiết âm thanh trong bản nhạc. Nhìn chung, tính kỹ thuật của sản phẩm này không quá nổi bật, cơ bản rằng chất âm tổng thể của E4000 chỉ hướng đến đối tượng người dùng chỉ mong muốn có một chất âm nhẹ nhàng, không quá chi tiết để có thể nghe thoải mái, êm tai.

 

So sánh

Final Audio Design E4000 (trước), Campfire Audio Satsuma (sau).

Campfire Audio Satsuma.

Với Campfire Audio Satsuma:

Dải phổ tần tổng của Final Audio Design E4000 và Campfire Audio Satsuma (đã được chuẩn hóa tại 1kHz với phổ tần chuẩn IEF). Nguồn: crinacle.com

Thoạt đầu, nhìn E4000Satsuma đều hướng đến đối tượng người dùng mong muốn một mẫu tai nghe trong cùng phân khúc giá và có chất âm dễ nghe nhưng có vài đặc điểm giúp nhận dạng cả hai sản phẩm:

  • Campfire Audio Satsuma có dạng thiết kế theo hướng đeo qua vành tai, giúp giảm tiếng ồn tạo ra từ dây nhiều hơn so với việc đeo E4000 theo hướng truyền thống. Hơn nữa, bộ phụ kiện đi kèm với Satsuma, đặc biệt là dây Smoky Lite Litz độc quyền của Campfire được hoàn thiện chỉnh chu và sang trọnghơn nhiều so với E4000. Tuy nhiên, mức độ hoàn thiện của E4000 có phần nhỉnh hơn so với đối thủ do Satsuma được làm nhựa bóng với ống tai thép không gỉ, tạo cảm giác lo ngại với tính lâu bên của sản phẩm nhưng nhờ màu cam bóng và vật liệu nhựa này tạo cho Satsuma một ngoại hình đặc trưng.
  • Một trong những đặc điểm nổi bật nhất Campfire Audio đó là nhờ việc tùy chỉnh chất âm tai nghe theo hướng rất ấm, nghe thoải mái và dễ chịu với ví dụ điển hình là mẫu tai nghe đình đám nhất của hãng – Andromeda, và Satsuma cũng không phải là nhân vật ngoại lệ. Satsuma được thừa hưởng chất âm một phần từ đàn anh trước với lượng bass – mid-thấp chiếm vị trí nổi bật hơn so với tổng thể chất âm, tương tự như E4000. Tuy nhiên, trong khi E4000 có dải mid-cao – treble mượt và đầy đặn, các chi tiết âm thanh cơ bản trong bản nhạc được thể hiện dều ở khoảng dải ấy; Satsuma rải rác các đỉnh tần số, dẫn đến việc một số nốt trong khoảng 2kHz – 10kHz bị nhấn mạnh không đồng đều và thay đổi âm sắc. Nhìn chung, Satsuma thích hợp nhất để nghe Jazz, rock, cổ điển…

Tổng kết

Ưu điểm

Nhược điểm

Thiết kế hình viên đạn dễ đeo; hoàn thiện tốt.

Dây đi kèm sản phẩm mỏng, có xu hướng rối.

Phụ kiện đa dạng.

Tương đối khó kéo; cần nguồn ra cao.

Chất âm trung tính thiên ấm; thích hợp để nghe Jazz, pop, điện tử, hip-hop; nhẹ nhàng, không gây khó chịu

Chất âm hướng đến rất ít đối tượng người dùng.

Âm sắc trung tính.

Tính kỹ thuật chung (âm trường, âm hình) không ấn tượng.

 

Tham khảo giá & đặt hàng tại đây: https://taingheviet.com/final-audio-e4000-pr9828.html

 

Chuỗi thời gian cập nhật sau khi đăng bài:
06/02/2022 - 5:23 CH: Thêm ảnh (Campfỉe Audio Satsuma), bổ sung liên kết tham khảo giá.
06/02/2022 - 6:16 CH: Chỉnh sửa lề văn bản.