Đang cập nhật

Đang cập nhật

Ngay sau sự thành công vượt mong đợi của Skullcandy Grind, hãng tai nghe Mỹ đã nhanh chóng tung ra phiên bản không dây Skullcandy Grind Wireless, được cho là con át chủ bài năm 2017 của hãng. Chiếc tai nghe sử dụng bluetooth 4.1, với microphone đàm thoại cùng thời gian nghe nhạc liên tục lên đến 24h.

Lâu lắm rồi kể từ khi chiếc Skullcandy lower bị khai tử, hãng tai nghe Mỹ mới tạo ra một mẫu on-ear có được sự hài hòa giữa chất lượng âm thanh và giá thành sản phẩm, rất nhiều người sau khi trải nghiệm Grind đã phải có cái nhìn khác về Skullcandy. Với giá 2.350.000đ một mức giá khá thấp so với những chiếc on-ear không dây khác như U-Jay Wireless(4.280.000đ) , Sony MDR XB650BT (2,9tr), Beats Solo 3 Wireless (7tr).
Trước kia Skullcandy cũng đã có những mẫu tai nghe đạt được sự hài hòa giữa giá thành và chất lượng sản phẩm như lower, Titan, tuy nhiên đây là những mẫu tai nghe đã được khai tử nhiều năm về trước. Việc có được sự cân bằng giữa âm thanh và giá thành là điều rất khó khăn với những hãng tai nghe mà thiết kế và trải nghiệm người dùng được đặt lên hàng đầu như Skull. Nhưng với Grind một lần nữa họ đã chạm đến sự hài hoà.

Mở hộp:

Vẫn giữ nguyên thiết kế ban đầu của Grind, nhưng ở trên chiếc tai nghe không dây này, Skullcandy đã tích hợp thêm phím điều kiển âm lượng thay vì chỉ 1 phím nhận cuộc gọi như trên phiên bản có dây. Tai nghe vẫn tích hợp ngõ vào audio 3.5 và đi kèm dây dẫn audio tháo rời giúp người dùng có thể nghe nhạc bằng dây dẫn khi hết pin, tuy nhiên khi nghe nhạc qua dây dẫn tai nghe sẽ không hỗ trợ microphone như Grind bản thường, Microphone và tăng giảm âm lượng chỉ có tác dụng khi nghe nhạc không dây. Tất nhiên ở mức giá này chúng ta không thể chê chách gì, vì trên thực tế, ở mẫu SONY MDR XB650BT có giá cao hơn khá nhiều còn không được tích hợp jack 3.5 trên tai. 

Mặt trước hộp đựng tai nghe, nổi bật ở góc trái bên dưới là mác của giải thưởng được PCMAC trao cho những sản phẩm chất lượng

Phía sau với các chỉ dẫn của skullcandy về sản phẩm

Tai nghe được đặt trong 1 khay chống sốc 

Phụ kiện đi kèm tai gồm có cáp usb dùng để sạc và 1 chiếc dây dẫn audio với 2 đầu 3.5 , và sách hướng dẫn sử dụng

Chiếc On-ear có vọc dáng thanh thoát và được phối màu khá hài hoà, điểm nhấn của chiếc tai nghe này năm ở phần Cup được làm tròn với cặp đệm mút tai nghe dày và được đục lỗ theo dạng những vòng tròn đồng tâm tạo cho chiếc tai nghe nét hiện đại.

Chiếc Headband được làm bằng hợp kim với bản lớn giúp cho tai nghe có được sự chắc chắn, khoẻ khoắn nhưng vẫn có được một Form dáng thanh thoát, mảnh dẻ.

Phần mặt ngoài headband được bọc da hoặc giả da, mặt bên trong là lớp đệm êm ái, những đường may dập nổi tạo cho chiếc tai nghe điểm nhấn bắt mắt


Trải nghiệm người dùng:

Grind Wireless mang đến cảm giác đeo khá thoải mái, tai nghe có trọng lượng khá nhẹ với phần đệm da dày dặn và êm ái, đeo lâu không bị đau tai, cũng không bị bí và nóng như đeo những chiếc Over-ear dạng đóng, các phím bấm cho cảm giác bấm tốt, phím bấm nhạy. Điểm trừ duy nhất của thiết kế chính là khả năng gấp gọn lại, Grind không có khả năng gấp gọn lại, nên việc mang theo tai nghe khi phải đi xa sẽ khiến bạn tốn thêm diện tích để cất giữ nó, tuy vậy bạn hoàn toàn có thể đeo nó trên cổ như một món đồ thời trang, vì tai nghe thiết kế rất đẹp, gọn gàng và cá tính.

Tai nghe có thể kết nối cùng lúc với 2 thiết bị phát, microphone đàm thoại cho chất lượng ở mức khá, mình có test thử dung lượng pin, và cảm thấy khá hài lòng, pin của Grind khá tốt, mỗi ngày nghe tầm 2 đến 3 giờ, và sau hơn 2 tuần tai nghe vẫn còn pin. Theo hãng thì tai nghe có thể nghe liên tục 24h, và với 2 tuần sử dụng ko phải sạc thì điều này là khá đúng.


Về chất lượng âm thanh:

Trước đây, mình rất thích chất âm của hai chiếc Skullcandy lower và Titan. Tuy vẫn là hai mẫu tai thiên trầm đặc trưng của Skull, nhưng hãng đã bằng cách nào đó tiết chế được lượng bass, đồng thời cung cấp một độ chi tiết và đầy đủ ở dải mid và treb, khiến cho tai nghe tuy vẫn thiên tối nhưng có sự cân đối và hài hoà trong cả 3 dải âm. Với Grind sau nhiều năm, hãng cũng đã tạo ra một mẫu tai nghe hài hoà như vậy, sự hài hoà không chỉ trong tương quan của 3 dải âm mid, bass, treb. Mà còn hài hoà giữa chất lượng âm thanh và giá thành sản phẩm. 


Bass

Khi nói tới Skullcandy ta nói tới chất bass bùng nổ và nhiều lượng. Và Grind cũng không phải là ngoại lệ. Lượng bass của Grind nằm ở trên mức trung bình, hơn hẳn so với đa số tai nghe Onear trong tầm giá này hiện nay. Điều này cũng có thể giải thích được bằng việc Grind có driver lớn, đeo bao trọn tai và tai nghe áp vào tai chặt hơn so với các tai Onear khác. Phần đệm của tai nghe cũng khá mềm nên tai người nghe gần với driver hơn, lượng bass không bị triệt tiêu nhiều từ driver tới tai. Nhưng để so với các tai nghe khác như Uproar hay chiếc tai nghe V-shape điển hình của Skullcandy là 50/50 thì Grind vẫn có lượng bass khá vừa phải. Lượng bass này vẫn trên mức trung bình, nhưng là vừa đủnếu tính tới việc đây là một tai nghe của Skullcandy

Bass của Grind được tập trung vào mid bass, đồng thời cũng có một chút ở sub bass. Phần mid bass được làm nổi, nhiều lượng nên tai nghe có một phần bass boomy và nặng đặc trưng của những tai nghe nghe Pop và Dance. Bass không được đánh thành một khối ở giữa tai nghe mà có độ mềm nhất định, lan tỏa sang 2 bên. Cũng vì vậy mà Grind có một nền âm ấm và khá tối, phù hợp với những bản nhạc sàn cần được tái tạo không khí của vũ trường tốt hơn. Thử với bài "Seve" của Tez Cadey, Grind tái tạo được một chất bùng nổ, với phần mid bass đủ căng để thể hiện âm trống pedal, cũng như những phần bass xung quanh được làm mềm để gây sự sôi động. Tốc độ bass của Skullcandy đã cảm nhận được sự cải thiện rõ ràng khi xử lý bài này, những tai nghe trong quá khứ được Skullcandy làm phần bass có tốc độ chậm, kéo đuôi rất dài nên thiếu sự căng tròn, hơn nữa cũng vì vậy mà dính vào nhau. Nhưng với Grind, các phần trống nổi lên rồi tắt rất đúng thời điểm. Bài Seve rất cần điều này, vì các âm bass được chơi khá gần nhau, nếu tốc độ bass của Grind chậm hơn một chút nữa thì tổng thể âm sẽ bị dính vào nhau, mất đi độ nhanh của bài hát. Để tóm gọn lại, Skullcandy đã thể hiện được sự cải thiện trong phần bass qua Grind với lượng bass vừa phải hơn, phù hợp với nhiều dòng nhạc hơn, đủ độ căng và cũng đủ độ mềm, hơn nữa là tốc độ đã nhanh hơn rất nhiều khiến tổng thể âm khỏe khoắn hơn

Mid

Một trong những nhược điểm lớn nhất của Skullcandy trong quá khứ đó là hãng làm phần âm trung của tai nghe lùi về đằng sau. Mình có nhớ lần đầu tiên nghe chiếc 50/50 phiên bản cũ, phần mid bị bass lấn vào rất nhiều, lại bị đặt về sau nên khá khó nghe. Grind phiên bản mới đã sửa được vấn đề này nhưng vẫn mang một chất riêng từ hãng. Mid hiện nay đã được làm tiến lên nhiều hơn, rõ ràng hơn hẳn trước và ít bị bass lấn vào

Vì vậy những bài Folk như "Descante" của Noga trở nên dễ nghe hơn bao giờ hết. Nhìn về tổng thể, đây là một âm mid trung tính, không sáng và cũng không quá tối và ấm. Phần high mid được nhấn mạnh lên một chút nên ở một số bài vocal nữ sẽ xảy ra hiện tượng sibalance nhẹ. Đây là soundsign của Skullcandy từ những chiếc tai nghe đầu tiên, khiến cho những bài Pop và Dance có thêm một điểm nhấn. Ngoài phần high mid lên khá cao thì các phần khác của âm trung Grind lại khá tự nhiên, thoải mái chứ không bị mang hơi hướng điện tử như trước.

Giọng Yao Si ting trong Sound of Silence khá dễ nghe, nhưng cũng không tránh khỏi những tiếng "Tsss" nhẹ khi âm lên cao. Tỷ lệ âm hơi của Grind nhiều hơn so với âm giọng nên kể cả những bản nhạc cần sự nhẹ nhàng như London Town của Emily Loizeau cũng có thể nghe được. Nhưng dù nói thế nào thì thế mạnh của Grind vẫn là ở những bản nhạc Pop sôi động. Thử với bài Animals của Maroon 5, giọng Adam Levine không bị tiến lên phía trước, cũng không quá sáng nên hòa với nhạc hơn. Giọng ca sĩ này trong các bản Dance Pop của Maroon 5 lên cũng không quá cao nên hiện tượng sibalance gần như không bao giờ xảy ra

Treble

Vẫn như thường lệ, treble không phải thế mạnh của Skullcandy, hãng cố tình làm phần này ít lượng đi một chút để tránh hiện tượng Sibalance trong các bản Electronic. Nhưng Grind là một chiếc tai nghe có lượng treble khá đầy đủ khi so với các tai nghe khác của hãng. Thử với một bản Rock "A girl like you" của Edwyn Collins, tiếng chuông gió và cốc thủy tinh đằng sau tai hiện lên khá rõ mặc dù có lượng không hề nhiều như những tai nghe thiên treble

Tất nhiên, khi tới một điểm nhất định phần treble sẽ có roll off nhẹ nhưng Grind đã làm khá tốt những dải tai nghe có thể thể hiện được, treble có năng lượng khá tốt, không gian cũng không hề bị gò chặt vào một điểm. Phần treble được tăng thêm trong Grind giúp tai nghe không bị bí trong một số bản nhạc, cũng như giúp người nghe có thể sử dụng Grind với nhiều thể loại nhạc hơn là gò bó với các thể loại Pop hay Dance