- Single‐driver electrostatic Sound Isolating™ technology
- Includes Micro B charging cable
- Seamless integration with premium audio players
- delivers a constant 200V DC Bias and +/‐ 200V signal
- 4‐band Parametric (available only when used in conjunction with ShurePlus™ Play App, due Summer 2018)
- Analog signal path via standard 1/8” (3.5 mm) “Line In” input/switch for pure analog audio
- Control functions with LED detecting input level and main power/volume knob
- Integrated USB rechargeable battery can conveniently charge from standard USB wall charger or computer (Battery life of up to 12 hours)
- Premium Shure construction featuring an elegantly machined black aluminium housing, manufactured to exacting Shure quality standards
Đang cập nhật
Lời mở đầu
(kèm theo phần tóm tắt lịch sử của hãng):
Trong những năm về trước, hẳn khi gia nhập cộng đồng “chơi” âm thanh, cái tên “Shure” không thể không có lần nào được nhắn đến khi quan tâm đến các loại thiết bị như tai nghe nhét tai dành cho các nhạc sĩ biểu diễn trên sân khấu, hệ thống xử lý âm thanh và dàn thiết bị thu. Trước khi bước vào thị trường tai nghe nhét tai, Shure đã có sẵn được tiếng tăm lớn từ sự thành công mĩ mãn trong ngành thu âm với một biểu tượng in đậm dấu ấn của Shure đối với ngành này đến tận hôm nay – Unidyne Model 55; các dòng SM57, SM58, SM5B, SM7B…, nhiều trong số đó được người dùng trên khắp thế giới ưa chuộng và sử dụng. Điều đặc biệt không chỉ nằm ở việc chất âm các loại thiết bị thu của Shure thu được, mà là độ bền bỉ và khâu chuyền kiểm tra chất lượng sản phẩm của hãng và được chứng minh theo thời gian bằng mẫu SM58.
Shure SM58. Nguồn: wallpaperflare.com
Có được sức ảnh hưởng lớn, Shure đã “đặt chân” vào ngành sản xuất tai nghe vào tháng 5, năm 2009 và dần dần mở rộng thị trường bằng những cú hít lớn như SE215 (2011), SE425 (2013) – hai trong những mẫu tai nghe được yêu thích bởi các nhạc sĩ chuyên chơi trống, ca sĩ biểu diễn trên sân khấu nhờ có thiết kế nhỏ gọn, bền bỉ, nằm phẳng trong tai, đem lại mức cách ồn lên đến 35dB nhưng cảm giác đeo thoải mái hơn so với đối thủ ER4P/ ER4S của Etymotic và có chất âm rất lực và căng; SE846 (2013) – mẫu tai nghe làm rung chuyển thị trường tai nghe nhờ có số loa BA được hỗ trợ mỗi bên tai lên đến 4. Với tầm nhìn xa của Shure, hãng đã cho ra mắt KSE1500 vào năm 2015 – một trong những tai nghe nhét tai tĩnh điện đầu tiên trên thế giới đi kèm với bộ khuếch đại tĩnh điện tích hợp DAC – KSA1500, đặt cột mốc cho quá trình nghiên cứu, xây dựng sản phẩm, chỉnh sửa và chau chuốt trong khoảng 8 năm của Shure trước khi hãng đi tìm lý do và nguồn cầu cho loại sản phẩm này.
Theo thứ tự từ trái sang phải: SE215, SE425, SE535, SE846.
Trang sản phẩm: https://taingheviet.com/shure-kse1200-pr7901.html
Thông số kĩ thuật:
- Tai nghe KSE1500:
- Loại driver: 1 tĩnh điện
- Chân dây cắm loại: LEMO 6-chân
- Dải tần phản hồi: 10 Hz – 50 kHz
- Độ nhạy cao nhất: 113 dB SPL (1kHz ở 3% THD)
- Bộ khuếch đại tĩnh điện KSA1200:
- SNR: lên đến 107 dB (A-weighted)
- Khoảng mức âm lượng có thể điều chỉnh: -40 dB – +60 dB
- Cổng sạc: USB Micro-B (chỉ dành riêng cho sạc, không hỗ trợ chức năng nhận tín hiệu âm thanh)
- Cổng LINE-IN: 3.5mm
- Pin sạc trong KSA1200:
- Loại pin: Li-Ion
- Điện áp danh định: 3,6 V DC
- Thời lượng pin (theo như Shure quảng cáo cho sản phẩm): 12 tiếng
- Nguồn sạc cần tối thiểu: 5 V/ 0,5 A đến 1 A.
- Thời gian sạc: lên đến 3 tiếng với sạc 1 A.
Các phụ kiện đi kèm sản phẩm:
Các phụ kiện đi kèm sản phẩm. Nguồn: head-fi.org
- Hộp đựng tai nghe hiệu EASQRZIPCASE;
- Các loại nút tai:
- 3 cặp nút tai silicon hiệu EASFX1 cỡ S/M/L;
- 3 cặp nút tai bọt đen hiệu EABKF1 cỡ S/M/L;
- 1 cặp nút tai bọt vàng hiệu EAYLF1;
- 1 cặp nút tai 3 vòm hiệu EATFL1-6;
- 2 dây thun hiệu EA2AMPBANDS;
- 1 kẹp áo giữ dây tai nghe;
- 1 dây chuyển 3,5mm sang 3,5mm hiệu EA3.5MM36, dài 92 cm;
- 1 dây chuyển 3,5mm sang 3,5mm hiệu EA3.5MM6, dài 15,2 cm;
- 1 chân chuyển 3,5mm sang 6,3mm;
- 1 dây chuyển USB-A sang USB Micro-B;
- 1 bộ khuếch đại tĩnh điện KSA1200 (chính);
- Tai nghe KSE1500 (chính).
Giải đáp thắc mắc về sản phẩm:
Sự khác biệt giữa KSE1500 và KSE1200:
Năm 2018, Shure cho ra mắt KSE1200 – bộ tai nghe nhét tai tĩnh điện thu gọn của KSE1500. Với KSE1500, mẫu sản phẩm được đi kèm với KSA1500 – bộ khuếch đại tĩnh điện tích hợp DAC giãi mã lên đến 24 bit – 96kHz. Người dùng có được màn hình trên thân sản phẩm giúp kiểm tra dung lượng pin, nguồn vào và âm lượng trái – phải, và nhờ có sẵn DAC trong bộ, tính năng EQ 4-band đồng thời được hỗ trợ, cho người dùng hướng tùy chỉnh chất âm theo nhu cầu của bản thân.
Đối với KSE1200, bộ sản phẩm vẫn đi kèm mẫu tai nghe KSE1500, nhưng bộ khuếch đại được đổi sang mẫu KSA1200. Phiên bản này có thể được dựa trên ý kiến của người dùng dành cho Shure về việc loại bỏ phần DAC và giữ nguyên phần khuếch đại tĩnh điện cho tai nghe. Sự thay đổi này nhằm mục đích người dùng có thể nối bộ sản phẩm với tùy loại DAC theo mong muốn, thay vì bị hạn chế bởi mạch giãi mã âm thanh độc quyền của Shure.
Nói tóm gọn, Shure không có mẫu tai nghe mã KSE1200, chỉ có duy nhất mã KSE1500. Hãng có 2 bộ khuếch đại mẫu KSA1200 dành cho bộ sản phẩm KSE1200 (hoặc với tên gọi KSE1200SYS) và mẫu KSA1500 dành cho bộ sản phẩm KSE1500 (hoặc với tên gọi KSE1500SYS).
Tuy nhiên, về sau bài viết, cách gọi cho mẫu tai nghe đi kèm bộ sản phẩm KSE1200SYS là “KSE1200”, nhưng bản chất chúng vẫn là KSE1500.
Thiết kế, hoàn thiện và mức độ cách âm
Hình dạng thiết kế đặc trưng trên đa số các mẫu tai nghe của Shure như SE215, SE425, SE535, SE846… đã trở thành ưu điểm gắn liền với tên tuổi của hãng nhờ được các ca sĩ biểu diễn trên sân khấu, phượt thủ, nhạc sĩ chuyên chơi trống, v.v yêu chuộng và sử dụng. Với ngoại hình đơn giản, cong mượt ở các cạnh, sản phẩm của hãng có thể dễ dàng đeo thoải mái trong hàng giờ mà không cảm thấy cấn, mỏi hoặc nhức ở bất kì vị trí nào trên tai, đồng thời mang lại mức độ cách âm lên đến 37 dB, một phần do thân tai nghe bao trùm bình tai và tùy vào loại nút tai sử dụng. Đối với một số người dùng, tai nghe của hãng có tiềm năng để sử dụng khi ngủ, kể cả trong tư thế nằm ngang cũng không gây cấn tai nhiều bởi thân hình của chúng không nhô ra khỏi tai quá mức.
Shure KSE1500SYS. Nguồn: soundonsound.com
KSE1200 không phải là trường hợp ngoại lệ: thừa hưởng được ngoại hình giống với các mẫu tai nghe khác Shure, mang lại một trải nghiệm thoải mái đặc trưng dành cho đại đa số người dùng với độ cách âm tuyệt vời. Tuy vậy, KSE1200 không có được, hoặc không thể có được tính năng “huy hoàng” một thời của SE215 hoặc các mẫu khác trong dòng SE hay Aonic, đó chính là hỗ trợ dây tháo rời. Một lý do có thể hiểu được cho hướng đi này của Shure là vì đây là mẫu tai nghe tĩnh điện, được thiết kế theo yêu cầu có nguồn điện thế cao, đặc biệt từ bộ khuếch đại độc quyền của hãng để có đủ lực đẩy tín hiệu âm thanh lên mức âm lượng bình thường, nên các loại dây khác trên thị trường sẽ không tương thích với cả hệ thống. Dây nối liền với tai nghe tương đối cứng và thường tự quấn lại, hay rối, nhưng hãng đã phải chọn chất liệu bọc cách điện này cho dây tai nghe nhằm mục đích bảo vệ người dùng không bị giật bởi nguồn hiệu điện thế cao trong dây. Nhìn về mặt tích cực, các điểm nối dây và điểm chia dây được thiết kế rất to, dày nhằm giúp dây có độ bền lâu dài hơn, không dễ bị bẻ cong hoặc gãy.
Mức độ hoàn thiện của KSE1200 nói riêng và hầu như tất cả các mẫu tai nghe của Shure nói chung không có gì đặc sắc so với các đối thủ nằm gần cùng trong phân khúc như U12t của 64Audio, Sony IER-Z1R hoặc thậm chí nằm trong phân khúc giá rẻ như các sản phẩm của Moondrop, Dunu, v.v. Đây là điều khá thất vọng cho một bộ sản phẩm có mức giá xa xỉ được hoàn thiện từ nhựa trên cả thân tai nghe lẫn bộ khuếch đại tĩnh điện, nhưng với danh tiếng của hãng gắn liền với tính bền lâu và gần như không thể bị hư hỏng của mic SM58, KSE1200 có thể có tuổi thọ lâu dài và không xảy ra hỏng hóc trong quá trình sử dụng, chỉ rằng bộ sản phẩm này không tạo được sự tự tin cho người dùng khi trải nghiệm; không tỏa ra sự sang trọng, cao cấp của một tai nghe trị giá gần 60 triệu VND.
Cổng LEMO 6-chân được sử dụng cho bộ sản phẩm KSE1200SYS và KSE1500SYS.
Như thông tin đã nêu trước đó, KSE1200SYS (tên gọi khác cho hệ thống tai nghe nhét tai tĩnh điện KSE1200) không thể tách rời thành hai sản phẩm KSE1500 và KSA1200 riêng biệt và sử dụng cho mục đích khác. Tai nghe cần phải được kết nối qua bộ khuếch đại đi kèm, và từ bộ khuếch đại kết nối vào nguồn nhạc theo lựa chọn của người dùng như máy nghe nhạc, máy tính, điện thoại… với yêu cầu phải cung cấp đủ nguồn cho bộ khuếch đại và phải sử dụng cổng chuyển 3.5mm sang 3.5mm.
Cách kết nối bộ khuếch đại với thiết bị khác:
- Núm vặn tăng/ giảm âm lượng trên bộ khuếch đại được tích hợp chung với nút nguồn. Vặn nhẹ theo chiều kim đồng hồ để bật nguồn thiết bị. Đèn nguồn sẽ chuyển sang màu vàng khi đã được bật nguồn.
- Sử dụng dây chuyển 3.5mm sang 3.5mm đi kèm trong bộ sản phẩm, cắm vào cổng “LINE IN” trên bộ khuếch đại, sau đó cắm vào thiết bị nguồn ra (như hình).
- Điều chỉnh âm lượng trên thiết bị nguồn ra sao cho tín hiệu âm thanh được truyền vào bộ khuếch đại là vừa đủ:
- Đèn tín hiệu không hiện màu: bộ khuếch đại chưa nhận được tín hiệu hoặc tín hiệu quá yếu.
- Đèn tín hiệu chuyển sang xanh: bộ khuếch đại đang nhận vừa đủ - đủ tín hiệu âm thanh.
- Đèn tín hiệu chuyển sang đỏ: tín hiệu âm thanh đạt quá mức so với yêu cầu. Khi này, âm thanh sẽ bị méo tiếng cả khi giảm âm lượng trên bộ khuếch đại.
Nguồn: moon-audio.com
- Nếu nguồn ra của thiết bị nguồn ra được kết nối vào bộ khuếch đại tương đối cao, khó có thể điều chỉnh âm lượng theo yêu cầu, Shure có tích hợp thêm công tắc giảm 10dB hoặc không giảm (0dB) ở phần đuôi của bộ khuếch đại.
Lưu ý: không được tháo rời bộ khuếch đại tĩnh điện KSA1200 để tránh bị giật bởi hiệu điện thế rất cao.
Chất âm
Bài viết đánh giá chất âm sản phẩm này được thực hiện dựa trên:
- Loại nút tai: nút tai EASFX1 cỡ M (sử dụng thường xuyên); nút tai EABKF1 cỡ M.
- Dây: không thay đổi.
- DAC/ AMP rời: JCally JM06, dây chuyển từ cổng type-C sang cổng 3.5mm của Apple, xDuoo XD-05 Plus (opamp MUSES02; chế độ khuếch đại thấp nhất; không sử dụng công tắc tăng bass)(sử dụng thường xuyên).
- Nguồn: Hiby R3 Pro Saber (sử dụng thường xuyên), Samsung Note 10+; các loại tệp âm thanh định dạng MP3, FLAC (sử dụng thường xuyên), WAV, DSF (DSD64, DSD128)…
Dải phổ tần tổng của Shure KSE1200 (đã được chuẩn hóa tại 60dB). Nguồn: crinacle.com
Chất âm của Shure KSE1200 thiên V – lượng âm trầm và âm bổng được nhấn mạnh; dải âm trung bị đẩy âm lượng xuống.
Dải âm trầm:
Đối với các mẫu tai nghe trùm tai sử dụng driver tĩnh điện như Stax, một trong những đặc điểm nổi bật của loại driver này khi tái tạo dải âm trầm là độ truy xuất chi tiết âm thanh rất tốt, tuy không có nhiều lượng bass; tốc độ phản hồi rất nhanh và có độ chính xác cao. KSE1200 cũng có được những ưu điểm ấy, nhưng vì đây là tai nghe thiết kế theo dạng nhét tai và không có màng thoát âm rộng như tai nghe Stax, lượng âm trầm được tăng lên một cách đáng kể, giúp KSE1200 tái tạo được lực căng của trống rõ ràng hơn, phù hợp với nhiều thể loại nhạc từ cổ điển, acoustic, nhạc cụ, ballad đến hip-hop, nhạc điện tử, rock. Dải bass không bị lấn vào dải mid gây hiện tượng che lấp tần số; dễ nghe, không thiếu độ sôi động nhưng cũng không làm mỏi tai khi nghe sản phẩm trong khoảng thời gian dài. Nhưng đối với một số người dùng yêu thích chất âm nhiều bass, có một thêm lượng mid-bass nhằm tăng thêm lực cho trống trầm và guitar bass điện là điều KSE1200 không có được. Các đối thủ nằm gần cùng trong phân khúc giá hỗ trợ driver dynamic vẫn có phần nhỉnh hơn so với KSE1200 về việc tái tạo độ căng mạnh mẽ và sự trung tính của dải bass. Nhìn chung, cách tùy chỉnh dải âm này dễ dàng thỏa mãn đại đa số người dùng, đồng thời đẩy xa giới hạn trong việc tái tạo âm trầm trên một tai nghe nhét tai ở một số lĩnh vực.
Dải âm trung:
Cách tái tạo dải âm trung của KSE1200 khi được ví bằng cảm xúc có thể được gọi là “một mớ cảm xúc hỗn độn”.
Ở mặt tích cực, mẫu tai nghe này thực hiện việc truy xuất chi tiết âm thanh tương đối tốt, trong trẻo, đặc biệt ở một số chi tiết nhỏ của đàn dương cầm như khi phím đàn được bấm, hoặc tiếng ngón tay trượt trên dây trên đàn guitar dây nylon. Độ chính xác và “giống-với-thực-tế” khi tái tạo các loại nhạc cụ là tuyệt vời, một phần đến từ loại driver được sử dụng và cấu hình driver đơn giản. Nhờ có những yếu tố này, dải âm trung được thể hiện liền mạch và có tốc độ thể hiện nhanh, không có sự ngắt quãng như trên các mẫu tai nghe sử dụng 2 hoặc nhiều loại driver. Ngoài ra, giọng hát của cả nam lẫn nữ khi nghe mẫu tai nghe này không có sự thay đổi nhiều về âm điệu; độ chính xác khá cao, trung tính, đồng thời lược bỏ đi các phụ âm ma sát trong giọng hát trong khoảng dải mid-cao.
Nhắc đến khoảng âm lượng ở dải mid-cao được bỏ đi (nhằm tránh các phụ âm ma sát trong giọng hát, như thông tin đã được nhắc đến), nhược điểm của KSE1200 ở dải này được bắt đầu bằng vấn đề một số nhạc cụ thiên âm trung cao bị mất khá nhiều năng lượng, và một ví dụ điển hình cho nhược điểm này đó là khi KSE1200 tái tạo chất âm của guitar điện. Ở một số bản nhạc rock như “Bury The Light” của nghệ sĩ Casey Edwards và Victor Borba, “Luden” của nhóm nhạc Bring Me The Horizon hoặc đơn giản nhất là bản “Ex-Mørtis” của nhóm Ice Nine Kills, guitar điện và các loại synthesizer không được tái tạo rõ ràng, mặc dù độ chi tiết âm thanh mà KSE1200s truy xuất được là tương đối tốt, vì vậy, các bản nhạc này được thể hiện theo hướng “quá nhẹ nhàng”, giảm đi nhiều tính sôi động và tạo cảm giác như dải âm trầm đang lấn át các dải âm còn lại.
Dải âm bổng:
Thông thường, đối với các mẫu tai nghe của Shure, việc tái tạo dải âm bổng không phải là ưu thế, một phần do ống tai thon, nhỏ về bán kính và có chiều dài tương đối, vì thế dải tần số không được mở rộng và làm cho chất âm thiên tối và một phần khác có thể do sự hạn chế của loại driver Shure sử dụng cho các mẫu tai nghe này; các nhạc cụ thiên âm bổng như trống lắc, chũm chọe, kẻng tam giác, chuông… không được thực hiện rõ, ví dụ điển hình nhất đó là SE215, hoặc sản phẩm cao cấp hơn của hãng – SE846…
… KSE1200 cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, đoại loại là như vậy, nhưng sản phẩm này có nhược điểm hoàn toàn khác so với các sản phẩm tiền nhiệm. Đây có thể tùy vào cách nghe của từng người dùng và các bản nhạc khác nhau, nhưng sản phẩm này thường xuyên nhấn mạnh vào khoảng tần số dao động ở 8kHz, làm cho các nhạc cụ thiên âm bổng thiên sáng, khá nóng và gắt tai. Đối với một số bản nhạc không được thu âm tốt, hoặc các thể loại nhạc thiên sáng như K-Pop, pop, nhạc điện tử…, điều này sẽ càng thể hiện rõ hơn. May mắn thay, với sự kết hợp giữa dải mid-cao lùi sâu và cách tùy chỉnh dải âm bổng, vấn đề này đoại loại được khắc phục nhưng phải đánh đổi với chất âm tổng thể nghe lạ và thiếu tính cân bằng ở cả ba dải. Khi so sánh với SE846 về cách tái tạo dải tần số từ 10kHz trở lên, KSE1200 thực sự cải thiện được nhược điểm dải tần số không được mở rộng của SE846, nhưng so với các đối thủ trên thị trường, sản phẩm không nằm trong vị trí dẫn đầu về mảng này.
Nhìn về mặt tích cực, đối với một driver tĩnh điện, KSE1200 truy xuất chi tiết âm thanh rất tốt, phơi bày được các chi tiết nhỏ nhất trong một bản thu âm, ví dụ như cả phiên bản thu âm và live của bản “September” của nhóm Earth, Wind & Fire, khi các tiếng hi-hat bên phải sân khấu được thể hiện rõ ràng và trong trẻo. Tốc độ phản hồi ở dải âm bổng của sản phẩm này khá nhanh và linh hoạt – điều mà một số mẫu tai nghe hỗ trợ driver dynamic hoặc driver BA không có được.
Âm trường, âm hình, âm sắc:
Như các mẫu tai nghe nhét tai khác, âm trường của KSE1200 trung bình về chiều dài và độ sâu. Tuy nhiên, các thông tin trong âm thanh được tách lớp rõ ràng; các vị trí của từng âm thanh được trải đều trên chiều dài âm trường, không có hiện tượng bí bách ở vị trí nào trong bản nhạc, đặc biệt ở các bản thu âm gần như “Bubbles” hoặc “Letter” của nghệ sĩ Yoshi Horikawa, khi tiếng bút chì viết trên giấy ở phần đầu của bản “Letter” trải dài từ phía bên trái sang phải một cách liền mạch, hoặc vị trí âm thanh của các viên bi rơi trong bản “Bubbles” được tái tạo rất đã và chính xác.
Đối với âm sắc của KSE1200, tuy giọng hát và các nhạc cụ thiên âm trầm như trống trầm, bass guitar được thể hiện trung thực, hầu như phần còn lại của dải tần số như dải âm trung cao và âm bổng không có sự chính xác về âm điệu, vì thế chất âm của KSE1200 được tái tạo khá lạ: tuy thiên sáng nhưng thiếu năng lượng ở dải âm trung cao, đồng thời mềm ở dải bass.
Tổng kết
Ưu điểm |
Nhược điểm |
Thừa hưởng thiết kế đặc trưng của Shure – cảm giác đeo thoải mái, phù hợp với nhiều người dùng; mang lại mức cách âm rất tốt. |
Cả bộ sản phẩm không thực sự tiện lợi dành cho một mẫu tai nghe nhét tai. |
Đi kèm rất nhiều loại phụ kiện cho nhiều mục đích khác nhau. |
Sản phẩm chính được làm từ nhựa; mức độ hoàn thiện không tạo sự sang trọng, cao cấp trong tầm giá. |
Dải âm trầm được tái tạo trong sạch; tốc độ phản hồi nhanh, có độ chính xác cao, dải tần xuống sâu; có độ truy xuất chi tiết âm thanh rất tốt; lượng bass không lấn át vào dải mid. |
Không dành cho người dùng yêu thích chất âm thiên nhiều về âm trầm. |
Giọng hát không bị thay đổi nhiều về âm điệu; thể hiện rõ, liền mạch. |
Dải mid cao bị lùi sâu dẫn đến các loại nhạc cụ như guitar điện giảm đi nhiều tính sôi động và thiếu năng lượng. |
Dải âm bổng truy xuất chi tiết âm thanh tốt; là một sự cải thiện đáng kể so với sản phẩm tiền nhiệm – SE846. |
Nhấn mạnh ở khoảng tần dao động ở 8kHz gây nóng và gắt tai; dải tần số từ 10kHz trở lên không ấn tượng. |
Vị trí nhạc cụ được tách lớp rõ ràng, tận dụng được các yếu tố chính dựng nên danh tiếng của một driver tĩnh điện. |
Âm trường trung bình, không rộng về chiều dài và độ sâu; âm sắc “lạ”, một phần do chất âm tổng thể của sản phẩm. |