Đang cập nhật
Đang cập nhật
Đầu tiên hãy cùng nói một chút về DSD (Direct Stream Digital). Một số người cho rằng format nhạc số được phát triển từ năm 1999 bởi Sony và Philips này gần như là tương lai của nhạc số chất lượng cao, đánh vào đối tượng audiophile, thay thế cho chuẩn PCM đã có phần lỗi thời.
Vậy DSD là gì? Theo một số nguồn thông tin, DSD là một hệ thống ghi âm được sử dụng trên chuẩn đĩa SACD (Super audio CD) trước đây. Có rất nhiều lý do khách quan và chủ quan, định dạng đĩa SACD đã không đạt được thành công như mong đợi, tuy nhiên, rất nhiều các kỹ sư thu âm đã chọn và ứng dụng kỹ thuật ghi âm DSD trong công việc của họ.
So sánh giữa hai chuẩn nhạc số PCM và DSD
Về phần nhiều audiophile, tần số lấy mẫu tối đa 352 kHz của DSD có vẻ như cực kỳ ấn tượng và hoàn toàn có thể qua mặt những chuẩn 16 bit hay 24 bit PCM hiện nay dù độ dài mẫu chỉ là 1 bit. Một cách nôm na và ngắn gọn mà nói, thì DSD là format nhạc có chất lượng cao hơn nhiều so với PCM truyền thống về mặt lý thuyết, dĩ nhiên với nhược điểm đi kèm là những file âm thanh chuẩn DSD thường có dung lượng rất lớn, cộng với việc chưa nhiều những thiết bị đủ sức “tải” và mã hóa chuẩn tín hiệu này.
Ở thời điểm hiện tại, những thiết bị có khả năng mã hóa và đọc file chuẩn DSD thường đều là những sản phẩm DAC/amplifier cao cấp, hay những chiếc máy nghe nhạc có mức giá đắt đỏ như Astell & Kern AK240. Chính điều này cộng với số lượng những bản thu âm DSD vẫn còn vô cùng ít ỏi đã khiến chuẩn âm nhạc này vẫn chưa thực sự được nhiều dân sành sỏi quan tâm nghiên cứu.
Tuy nhiên đó chỉ là đa số. Nhân vật chính trong bài viết của chúng ta ngày hôm nay, may mắn thay, lại là một sản phẩm có mức giá tương đối mềm nếu xét tới những gì nó có thể thực hiện. Đó là bộ DAC/amplifier đến từ thương hiệu Anh Quốc ifi mang tên Nano iDSD. Hiện tại sản phẩm này đang được bán tại thị trường Việt Nam với giá khoảng 4,5 triệu Đồng, nghĩa là cùng tầm giá với nhiều sản phẩm tại nước ta như DAC iBasso D42, hay amplifier O2, chiếc amp gây bao sóng gió cho cộng đồng âm thanh thời gian qua.
Những lời khoe khoang đầy hoa mỹ của ifi có lẽ chẳng ngoa chút nào. Trong số những thiết bị mà tôi đã được trải nghiệm và đánh giá, thì Nano iDSD là amp/DAC nhỏ gọn nhất có khả năng giải mã file DSD cũng như DXD.
Ngoài thiết kế có phần khá ngầu với những góc cạnh sắc sảo được chế tác bằng nhôm, Nano iDSD đem tới cho người sử dụng rất nhiều những tùy chọn xuất tín hiệu phụ thuộc vào thiết bị mà họ đang dùng: Tai nghe, cổng RCA analog hay thậm chí là cả line out digital để kết nối với những dàn amp khác. Ngoại trừ cổng USB in và Headphone out, tất cả những đường line out đều được bọc bằng tip cao su chống bụi.
Mặt trên của chiếc amp này có một đèn nhỏ để báo hiệu. Đèn báo này phát ánh sáng xanh da trời lúc tắt nguồn nhưng vẫn cắm sạc thông qua cổng USB, phát sáng trắng khi đang bật, và cuối cùng là phát sáng xanh lá cây khi đang phát nhạc.
Bên cạnh chiếc amp, nhà sản xuất cũng đóng gói kèm một đoạn cáp USB, hai jack RCA kết nối với các thiết bị khác, hai dây cao su để cố định cùng các thiết bị di động và thậm chí là cả một miếng silicone để chống xước cho các thiết bị. Cùng với đó là một chiếc túi nhung để người sử dụng đem sản phẩm theo trong những chuyến đi.
Để sử dụng một cách hiệu quả ifi Nano iDSD, người sử dụng máy tính cần tải và cài đặt driver riêng của sản phẩm. Tương tự như vậy, với các thiết bị chạy HĐH Android hay iOS, người sử dụng sẽ cần tới những ứng dụng có khả năng đọc file DSD/DXD như Onkyo HF chẳng hạn.
Với thử nghiệm trên máy tính, chúng tôi sử dụng ứng dụng rất quen thuộc: foobar2000 với plugin đọc file SACD và file DSD để phần mềm hoạt động một cách hoàn hảo.
Thử nghiệm với những file nhạc chuẩn PCM thông thường, ở cả hai chuẩn 16 bit và 24 bit lossless, thiết bị chạy tương đối trơn tru. Không có biến dạng trong chất âm, cũng không có tiếng “xì xì” khi các file nhạc không chạy (chúng ta hay gọi tiếng động khó chịu này là hiss noise). Đó là điểm cộng dành cho chiếc amp/DAC tích hợp này.
Trong khi đó, để thử nghiệm thiết bị này, chúng tôi đã phải “cất công” tìm kiếm những bản thu âm với format DSD, từ DSD64 cho tới DSD256 để xem Nano iDSD có làm được như những gì AMR quảng cáo hay không. Kết quả vô cùng ấn tượng. Không những chạy các file chuẩn DSD và DXD một cách trơn tru, mà thậm chí Nano iDSD còn “chỉ mặt đặt tên” cả tần số lấy mẫu của bản nhạc đang được phát:
Một điểm trừ khác là ở núm vặn volume. Khi thay đổi âm lượng, những đôi tai khó tính sẽ cảm nhận rõ tiếng xẹt xẹt tạp âm chèn vào bản nhạc.
Đó là về phần hoạt động. Vậy còn chất âm?
Âm thanh của Nano iDSD khá chiều lòng những người nghe nhạc để thư giãn. Xét về tổng thể, âm thanh mà chiếc amplifier này tái tạo có tông ấm áp, dễ nghe, và tương đối “laid back” hợp với những người nghe nhạc để thư giãn chứ không cố gắng tìm tòi những chi tiết của bản nhạc. Cả ba dải âm đều có được không gian trình diễn riêng, giúp những bản nhạc hòa tấu, hay jazz vừa chân thực, lại vừa phần nào đem lại tình cảm của chúng chạm tới trái tim người nghe.
Đáng tiếc một điều, ưu điểm đối với một số đối tượng người nghe đôi khi lại trở thành khuyết điểm với những người khác. Ifi Nano iDSD là một sản phẩm như vậy. Đối với những audiophile khó tính, những người theo đuổi chất lượng âm thanh một cách hoàn hảo nhất sẽ cảm thấy dải high được tái tạo từ sản phẩm này có phần hơi hiền và bị át bởi dải mid đầy đặn, ngọt ngào. Thử nghiệm với HD545 của Sennheiser cũng cho thấy thiết bị khá đuối trong việc kéo những chiếc tai nghe có trở kháng khoảng 100 trở lên. Trong khi đó khi kết hợp với chiếc in ear flagship của Audio Technica, IM04, Nano iDSD dường như lại “hợp rơ” tới mức có thể coi là cạ cứng của nhau.
Trong khi một số người nghĩ rằng Nano iDSD chỉ đem lại chất lượng âm thanh nằm ở mức khá tốt chứ chưa thực sự hoàn hảo, một số khác, trong đó có tôi thì đánh giá rằng, sản phẩm này nếu sử dụng riêng sẽ rất hợp với những chiếc tai nghe in ear. Trong khi đó với tác vụ nghe nhạc trên desktop, Nano iDSD nên trở thành DAC để giúp giải mã tín hiệu âm thanh của những bản thu DSD cao cấp cho những amplifier khác.
Để chứng minh cho điều này, Nano iDSD đã được kết nối với Schitt Magni, một chiếc headphone amplifier chỉ có cổng line in RCA để kiểm chứng. Ngay lập tức, những bản nhạc jazz từ album “The Latin Touch” của Laura Fygi hay giao hưởng của dàn nhạc Stuttgart trong album “Tubes Only” thông qua bộ đôi này lập tức trở nên quyến rũ hơn hẳn.
Tổng kết lại, với mức giá chỉ 4,5 triệu Đồng, nhưng với những gì thể hiện, Nano iDSD của ifi xứng đáng trở thành thiết bị phải sở hữu dành cho những tín đồ âm thanh, đặc biệt là những người đang bắt đầu tìm hiểu về nhạc số chuẩn DSD.