• Driver DualCoil Dynamic
  • Dải tần đáp ứng: 16-40.000 Hz
  • Trở kháng 16 Ohm
  • Độ nhạy 90dB
  • Công suất tối đa 2/5mW
  • Trọng lượng 39 gram
  • Dây đa lõi ÒC dài 1,35 mét
  • Giắc cắm 3.5mm đầu mạ vàng.

Đang cập nhật

T20 là chiếc tai nghe in-ear được hãng sản xuất âm thanh Anh Quốc Reid Heath Audio (RHA) cho ra mắt hồi tháng 5. Hãng tuyên bố rằng T20 được trang bị driver dynamic công nghệ DualCoil độc quyền, sản xuất từ các loại vật liệu cao cấp, housing được đúc bằng thép không gỉ,… hứa hẹn sẽ mang lại cho người nghe những trải nghiệm âm nhạc chân thực, thoải mái. Liệu chiếc tai nghe có giá khoảng 240$ này có làm được điều đó?

Trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ nói chủ yếu về chiếc hộp (khá đẹp), hàng tá phụ kiện đi kèm, thiết kế bên ngoài và đặc biệt là công nghệ DualCoil của chiếc tai nghe này. Về khả năng trình diễn âm thanh, do thời gian trải nghiệm chưa nhiều nên mình chỉ có thể chia sẻ một vài cảm nhận sơ khởi nhất (chủ quan và có thể chưa đúng) chứ không quá tập trung vào chất âm. Hẹn các bạn bài “trên tai” ở thời gian tới.

Rất nhiều đệm tai đi kèm, có thêm 2 bộ lọc tăng cường bass và treble cùng với lọc trung tính lắp sẵn trên tai nghe. Tất cả được đóng gói cẩn thận và khá sang trọng: hơn 6 triệu có khác!


Chúng ta được gì khi bỏ ra hơn 6 triệu đồng để mua RHA T20? Đầu tiên là một chiếc hộp đựng khá đẹp mắt và sang trọng. Và mình hơi bất ngờ khi thấy khá nhiều phụ kiện đi kèm đặt trên khay bằng kim loại phay xước. Đầu tiên là một loạt các đệm tai silicon với 3 kiểu thiết kế và nhiều kích thước khác nhau. Đặc biệt hơn, RHA T20 còn đi kèm với 2 cặp bộ lọc với chức năng tăng cường âm bass hoặc treble (cái gắn sẵn trên tai nghe là trung lập). Bên dưới, chúng ta có thêm 1 túi đựng tai nghe dạng vỏ cứng, có khóa kéo và một chiếc kẹp gắn vào dây tai nghe.


Xong phần mở hộp và giờ là tới nhân vật chính tai nghe RHA T20. Thiết kế của T20 cho cảm giác khá thể thao với móc đeo qua vành tai dù có lẽ nó không được làm ra để vừa chạy bộ vừa nghe nhạc. Thật ra, phần lõi móc đeo tai có thể uốn cong được theo nhiều hình dạng để phù hợp với mỗi người. Chúng ta có thể bẻ cong nó nhưng dường như không hoàn toàn dẻo mà có thêm một số sợi kim loại đứt khúc bên trong. Các làm này khá thông minh, vừa giúp chúng ta có thể bẻ cong tai nghe theo ý muốn nhưng vẫn đủ lực để không quá lỏng lẻo.


Ngay bên dưới chúng ta có housing đúc bằng thép không gỉ tương tự như những người tiền nhiệm của T20 là T10 hoặc T10i. Phần housing này được ghép lại từ 2 mảnh tạo thành hình dạng như một chiếc tù và (liên tưởng của mình) bằng thép. Mặt bên ngoài chúng ta có logo RHA được khắc laser và bên cạnh đó là lỗ thoát âm được bọc lại bằng lưới kim loại. Tất cả cho một tổng thể chắc chắn, không nặng nhưng cầm khá đầm tay.

Phần móc đeo được tách biệt với dây tai nghe bằng 1 vấu cao su và cũng có logo RHA trên đó. Bên dưới là vấu chập 2 dây thành 1 dây hình trụ tròn bằng kim loại với thiết kế khá tinh xảo, trên đó có khác chữ ký của nhà thiết kế ra chiếc tai nghe này. Phần dây tai nghe bên dưới có kích thước to hơn so với những mẫu tai khác và trong thời gian sử dụng, mình không hề bị hiện tượng những tiếng bụp bụp do dây chạm vào cái gì đó. Điều này chứng tỏ khả năng tán lực của dây hoạt động khá tốt. Thêm một điểm cộng cho T20.


Jack cắm 3.5mm mạ vàng, phần chuôi cắm cũng được hoàn thiện kim loại khá tinh xảo, phần chống gãy bằng lò xo cho cảm giác chắc chắc và rất Audiophile Tai nghe RHA T20


Cuối cùng là phần jack cắm 3.5 mm đầu mạ vàng bên dưới. Chuôi cắm cũng được làm bằng kim loại, kích thước tương đối to. Điểm nhấn cuối cùng là phần chống gãy, đứt dây bằng lò xo. Điểm này mình khá thích vì vừa có cảm giác an toàn khi sử dụng, lại vừa đẹp mắt và tinh tế.

Thông số và công nghệ


2 bộ lọc đi kèm, một cái dành cho bass và treble

Đầu tiên là những thông số kỹ thuật cơ bản của RHA T20

  • Driver DualCoil Dynamic
  • Dải tần đáp ứng: 16-40.000 Hz
  • Trở kháng 16 Ohm
  • Độ nhạy 90dB
  • Công suất tối đa 2/5mW
  • Trọng lượng 39 gram
  • Dây đa lõi ÒC dài 1,35 mét
  • Giắc cắm 3.5mm đầu mạ vàng.

Điểm nhấn của RHA T20 chính là công nghệ DualCoil độc quyền của RHA. Chúng ta có 2 voice coil đặt trên nam châm tạo từ trường hình xuyến. Mỗi voice coil sẽ hoạt động độc lập với những nhiệm vụ khác nhau: 1 cái chịu trách nhiệm xử lý dải tầng thấp trong khi cái còn lại sẽ “chăm sóc” dải cao. Như các bạn có thể thấy trong hình minh họa phía trên, 1 voice coil được đặt bên trong vòng nam châm , còn cái còn lại đặt trên vòng nam châm.

Emma Dixon, một nhân viên của RHA cho biết: “Đội ngũ nghiên cứu và thiết kế của chúng tôi đã tái thiết kế driver dynamic truyền thống, sử dụng nam châm hình xuyến thay cho kiểu nam châm đặc thông thường. Đây là lần đầu tiên cách làm này được áp dụng và công nghệ DualCoil là độc quyền. Dải tần số đáp ứng sẽ được phân chia thành dải thấp và cao. Các tần số bên dưới 2.2 kHz được tạo ra bởi cuộn bên trong và cuộn bên ngoài đảm nhận dải tần chéo trên nhằm tăng cường hiệu suất trình diễn, cho ra âm thanh có độ chi tiết cực cao.”

Cảm nhận sơ khởi về chất âm: độ chi tiết cao, khả năng tùy biến âm thanh bằng các bộ lọc là “miền đất cần khám phá

Ký hiệu Hi-Res xuất hiện trên một chiếc tai nghe đến từ Anh Quốc nghe có vẻ hơi lạ lẫm so với những người bạn đến từ Nhật như Sony hay Elecom. Xét ở khía cạnh độ chi tiết khi trình diễn thì RHA T20 xứng đáng đóng cái mác như thế. Đó là cảm nhận sơ khởi nhất của mình sau khi sử dụng nó trong khoảng 7 ngày vừa qua. Phần lớn là nghe trên máy tính với các file nhạc 24bit – 92Khz, đôi khi nghe trên iPhone 6 plus và Sony Z Ultra. Trong đoạn cảm nhận bên dưới đây, mình chỉ nói 1 khía cạnh là độ chi tiết của nó.

Bản nhạc mình nghe từ lâu, dạo này nghe nhiều hơn với T20 là bản Kreutzer của nhạc sĩ Beethoven (Sonata cho violin số 9 cung La Trưởng) bản thu của bậc thầy violin Salvatore Accardo (người sở hữu 2 cây Stradivarius huyền thoại) và nữ nghệ sĩ piano Giorgia Tomassi đánh. Mình nghe khá nhiều lần bài này với những chiếc tai nghe trước đây và đây là lần đầu tiên mình cảm nhận được một cách rõ ràng hơi thở mạnh của người kéo vĩ. Tiếng hít vào của Accardo ở thời khắc trước khi vĩ kéo trên dây rồi phát ra âm thanh.

Ở đây có 2 trường phái, một số người cho rằng tiếng thở trong các bản thu là phiền toái, làm giảm trải nghiệm âm nhạc của họ nên bản thu phải “sạch”, phải không có tạp âm. Một số khác (và trong đó có mình) cho rằng âm nhạc là sự chân thật, là cảm nhận được dàn nhạc đang trình diễn trước mặt mình, là tái hiện lại những gì nghệ sĩ biểu diễn trong thính phòng. Và điều đó bao gồm cả thói quen của họ, và cả kỹ thuật “nhắc khéo” người bạn đồng tấu của họ.

Kreutzer là một bản nhạc tương đối khó đối với piano và để giữ nhịp điệu, tạo sự chính xác nhất khi trình diễn, Salvatore luôn hít vào trước khi gồng người kéo vĩ trên dây đàn như một cách “giao tiếp” giữa ông và cô bạn piano. Mặt khác, chính tiếng hít vào ở đây cho mình cảm giác người nghệ sĩ đã “phiêu” với bản nhạc như thế nào, họ gởi hồn vào bản nhạc, hòa mình vào với nó như cảm giác giận dữ, giằng xé trong chương đầu của bản nhạc, khi mà Beethoven cảm thấy bị xúc phạm bởi người bạn ông đang bình luận về một cô gái cũng là bạn của Beethoven trong lúc uống rượu.

Xin không bàn về chất anh hùng ca đan xen trữ tình trong bản Sonata kiệt tác này. Tiếng thở được biểu hiện một cách chi tiết và cho mình cảm giác như trên và có lẽ công nghệ DualCoil của RHA đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của nó. Độ chi tiết của bản nhạc được thể hiện một cách khá tuyệt vời và cho mình được say đắm trong âm nhạc. Còn quá nhiều điều để bàn tới ở chiếc tai nghe cũng như bản nhạc này. Như mình đã nói ở trên, việc thay thế các bộ lọc của RHA T20 là một mảnh đất màu mỡ mà có lẽ mình phải mất thêm nhiều thời gian mới có thể khám phá hết được. Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây phần nào cung cấp cho các bạn một góc nhìn, dù rất nhỏ về chiếc tai nghe này. Cám ơn các bạn đã đọc đoạn cảm xúc “sến xẩm” này. Chúc vui