Thông số kỹ thuật :
Drivers: Dynamic (model 770.1)
Frequency range : 16-22000kHz
Impedance : 16ohm
Sensitivity : 100db
Rated/max power1/5mW
Weight: 41g
Cable : 1.35m, multicore OFC
Connections : 3.5mm, gold plated
Đang cập nhật
Từng được ra mắt tại sự kiện IFA 2014 mới kết thúc cách đây chưa lâu, thế nhưng chiếc tai nghe cao cấp mới của thương hiệu Anh Quốc RHA T10i đã nhanh chóng chiếm được cảm tình và sự mong đợi của cộng đồng hâm mộ tai nghe trên thế giới.
Sở dĩ có được điều này cũng cần phải kể tới thành công của loạt tai nghe in ear đã được RHA ra mắt trước đó không lâu, với tiêu điểm là bộ đôi MA750i cũng như 600i với chất âm xứng đáng xếp vào danh sách những chiếc tai nghe in ear tiêu biểu của giai đoạn 2013 – 2014. Chính vì lẽ đó, khi T10i ra mắt và được coi như sản phẩm flagship trong giai đoạn cuối năm 2014 này, hàng loạt các fan của RHA nói riêng cũng như những người chơi tai nghe nói chung đã vô cùng hào hứng.
Dáng vẻ cao cấp
Vẫn là cách đóng gói bao bì tuy đơn giản ở mặt ngoài, với sự tập trung cao đánh vào hình ảnh của chính chiếc tai nghe, thế nhưng bên trong, sự cầu kỳ, kỹ tính của RHA lại được thể hiện, từ miếng thép giữ cố định những chiếc eartip, đến miếng thép lắp hai chiếc sound filter, “sáng chế” riêng mà RHA đã tạo ra cho T10i. Nhưng dĩ nhiên bên trong hộp đựng, thì tâm điểm vẫn là chiếc tai nghe có khuôn vỏ được đúc bằng thép không gỉ với công nghệ MIM (Metal injection molding) đem lại cảm giác chắc chắn, sang trọng và phần nào chuyên nghiệp hơn cho người sở hữu.
Cho dù nặng hơn MA750i một chút, thế nhưng T10i lại có kích thước gọn gàng hơn, tạo ra cảm giác thoải mái, không cấn tai khi sử dụng. Hình dáng của T10i cũng giống với khá nhiều chiếc tai nghe in ear cao cấp với kết cấu thuôn dài và đặt lọt vào bên trong vành tai của người sử dụng. Đi kèm với đó là một vòng kim loại có thể uốn cong được để giúp người nghe đeo T10i một cách fit hơn.
Ở mặt ngoài, bên cạnh logo RHA được in chìm ngay trong quá trình đúc sản phẩm là một lỗ thoát bass dạng lưới khá to. Từ trước tới nay tôi có thể khẳng định lỗ thoát bass trên T10i là lớn nhất trong số những IEM sử dụng driver dynamic mà bản thân tôi từng được trải nghiệm.
Dây tín hiệu của T10i vẫn là thứ đã tạo ra tên tuổi cho maaix tai nghe MA750 xuất hiện cách đây ít lâu. Dây bọc cao su dày, bền chắc, đi kèm với đó là những chi tiết bằng thép mạ cao cấp như jack 3.5 mm, cầu nối chia dây cáp sang 2 kênh tai và microphone dành cho các thiết bị iDevices.
Bên cạnh hệ thống ear tip và 3 đôi sound filter có thể thay đổi được, RHA cũng vẫn tặng kèm người sử dụng một chiếc kẹp để cố định dây tín hiệu vào quần áo hay đồ dùng trong quá trình nghe, và một bao da tương đối ngầu. Ba cặp sound filter này sẽ được đề cập sâu hơn trong phần đánh giá về âm thanh của T10i ngay dưới đây.
Âm thanh “chiều” tai
Trong nhiều bài viết đánh giá tai nghe trước đây, tôi đã chia sẻ khá nhiều về gu thưởng thức âm nhạc qua tai nghe của bản thân. Những chiếc tai nghe giành điểm với gu riêng của cá nhân tôi thường là những cặp tai nghe có chất âm trung tính, có thể hơi thiên tối một chút nhưng cần có sự cân bằng giữa ba dải âm, và đặc biệt bass phải ở mức vừa đủ để không quá tiến sát tới tai người nghe, cũng như chèn lên những dải âm cao hơn.
Chính vì thế trong lần đầu tiên thử T10i sau khi bóc hộp, bản thân tôi đã có chút thất vọng. Chất âm của T10i khi mới đập hộp tuyệt nhiên không giống như những gì mà những bài review mới ra mắt đề cập tới: Bass rất mạnh, cả ở sub bass và mid bass, tạo ra tiếng rền tương đối khó chịu. Tuy nhiên ở một khía cạnh tích cực hơn, thì mid lại rất ngọt, đầy đủ chi tiết. Một vấn đề riêng với T10i là ở phần nguồn nhạc.
Thử nghiệm với iPhone 5S và một vài thiết bị khác, trong đó có iBasso DX90, BlackBerry Z10 và Nokia 730, thì những chiếc điện thoại ngoài iPhone lại tương đối khó kéo chiếc tai nghe này. Trong khi đó thông qua những chiếc điện thoại Apple, T10i lại có vẻ có nội lực hơn khi phô diễn những chi tiết phức tạp của một bản nhạc giao hưởng, từ tiếng nhạc cụ gõ văng vẳng ở xa, cho tới cả dàn bè.
Trong khi đó thưởng thức âm thanh qua máy tính hay laptop, thì T10i lại cần cho mình một chiếc DAC hay amplifier để trổ hết tài năng.
Sau khi nhận thấy chất âm của T10i có vẻ như có vấn đề, tôi buộc lòng phải để chiếc tai nghe chạy chế độ burn in trong 50 tiếng đồng hồ liên tuc. Kết quả có phần cực kỳ khả quan. Sau hơn 50 tiếng chạy burn in cả ba dải, T10i dường như lột xác.
Thử nghiệm với sound filter “reference”, amplifier FiiO E10K, cùng nguồn nhạc 24bit, dải trầm của T10i đã gọn gàng hơn rất nhiều, nhưng vẫn còn đó cá tính riêng khi vẫn đủ sức bật lên trong những bài hát. Bass của T10i có độ sâu nằm ở mức chấp nhận được, tuy nhiên chính mid bass lại là thứ khiến cho sub bass mất điểm khi trong nhiều track thử nghiệm, chất âm trầm dường như mất hút giữa tiếng rền vẫn còn tương đối.
Với filter “treble”, chất âm trầm của T10i đã phần nào bớt tiến hơn, cộng với đó là dải mid và high thoáng đãng hơn, tạo ra không gian âm nhạc ấn tượng nhưng đôi lúc vướng phải hiệu ứng tiếng vọng giả. Đây cũng là nhược điểm chung với những đường tiếng dài trên tai nghe in ear. Dunu DN1000 mà tôi từng có dịp review cũng là một ví dụ điển hình.
Tuy nhiên những nhạc cụ như contrabass hay guitar bass vẫn tìm được khoảng không gian riêng để trình diễn, đem lại sự thỏa mãn cho người nghe. Ở một khía cạnh khả quan hơn, thì chính dải bass đầy sức mạnh nhưng cũng vô cùng ngọt ngào này là thứ tạo ra nhạc tính trên những chiếc tai nghe của RHA.
Trong khi đó, dải mid lại cực kỳ mượt mà. Giọng ca Norah Jones, Yao Si Ting, Carpenters hay những nữ ca sỹ trong album SACD mang tên Master Music – Female Audiophile vẫn đầy nỗi niềm, nhưng cũng tràn đầy tình cảm, chạm tới trái tim của người nghe. Với dải mid tiến, nhưng không quá gần tai người nghe gây cảm giác ngợp, thì ngay cả những nhạc cụ, từ piano cho tới guitar đều có được cá tính mà nhiều tai nghe in ear khác khó lòng sánh bằng.
Với filter treble, dải high của RHA T10i thực sự khiến người nghe bị ấn tượng. Không quá gắt, nhưng chắc chắn dải âm cao của T10i cũng không hề chìm giữa mid ngọt ngào và bass mạnh mẽ. Với “Em hãy ngủ đi” của Hồng Nhung và Trần Mạnh Tuấn, nhạc phẩm của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sáng tác dường như lại được thêm phần ưu tư, nhưng lại không hề gay gắt khó nghe.
Sở dĩ dải high phát huy được khả năng của nó tốt nhất trên filter treble là do chiếc filter này tạo ra một khoảng không gian riêng cho cả âm trường lẫn âm cao, từ đó khiến những bản nhạc trở nên thoáng và dễ thưởng thức hơn rất nhiều so với hai chiếc filter reference và bass. Càng về sau, filter lại càng có chiều dài ngắn đi, đồng nghĩa với việc bass và mid sẽ tiến gần hơn tới tai của người nghe. Mỗi chiếc filter lại hợp với một số dòng nhạc riêng cũng như gu âm nhạc riêng của từng người.
Nói một cách ngắn gọn, T10i gần như là một bản nâng cấp hoàn hảo của MA750, với độ chi tiết trong âm thanh cao hơn hẳn, nhưng vẫn còn đó chất âm đầy cảm xúc và cá tính gây ấn tượng mạnh mẽ tới người nghe.
Tạm kết
Với cái giá 5,6 triệu Đồng, so sánh với mức giá 3 triệu của MA750i, thì T10i thực sự là một lựa chọn khiến nhiều người tiêu dùng đắn đo. Tuy nhiên với những nâng cấp đáng giá, mà trong đó đáng kể nhất là bộ filter dành cho từng đối tượng người nghe và chất âm được thay đổi gia tăng sự chi tiết trong âm thanh, thì T10i của RHA vẫn xứng đáng là một trong những chiếc tai nghe cao cấp đáng để đầu tư tại Việt Nam hiện nay.