Đang cập nhật

Đang cập nhật

Với thị trường tai nghe nhét tai gần đây đã được các hãng âm thanh Trung Quốc nổi tiếng như Moondrop, ThieAudio, Dunu… chiếm ưu thế lớn, SeeAudio dường như đang trở thành một cái tên nằm chìm dưới tản băng của thị trường. Tuy vậy, một trong những sản phẩm được ra mắt trong năm 2021 của hãng là điều không thể không nhắc đến, bởi đây từng là mẫu tai nghe làm dậy sóng cộng đồng âm thanh Trung Quốc, từ đó lan truyền sang khắp các diễn đàn nước ngoài nhờ vừa dữ liệu dải phổ tần đáng kinh ngạc, được các nhà phê bình đánh giá là “tiêu chuẩn âm sắc trong phạm vi phân khúc $200”; vừa có thiết kế và mức độ hoàn thiện rất tốt nhưng chỉ với mức giá dưới 4 triệu đồng – Yume (hoặc “Anou” ở thị trường Nhật Bản). Tua nhanh về hiện tại, hiện nay đã có rất nhiều sản phẩm đến từ hàng loạt các hãng khác nhau có cùng, hoặc khác cách tùy chỉnh âm như Yume, nhưng mục tiêu chính vẫn là tìm cách giành được sự yêu chuộng đông đảo của người dùng, và Yume dần dần biến mất vào màn cửa. Liệu sau hơn 1 năm ra mắt, Yume có còn xứng đáng để bỏ tiền sở hữu trong năm 2022 hay không?

 

Thông số kĩ thuật:

  • Cấu hình driver: 1DD + 2BA
  • Độ trở kháng: 32Ω
  • Độ nhạy: 106dB±1dB SPL/mW
  • Dải tần phản hồi: 20Hz – 20kHz
  • THD: ≤2%
  • Loại chân cắm: 2-pin 0,78mm.

 

Các phụ kiện đi kèm sản phẩm bao gồm:

  • Hộp đựng tai nghe SeeAudio
  • Phiếu giới thiệu, hướng dẫn sử dụng và bảo quản
  • Sticker “Yume” cỡ lớn
  • 4 stickers “Rinko by SeeAudio” cỡ nhỏ
  • 4 cặp nút tai silicon cỡ XS/S/M/L; 4 cặp nút tai bọt cỡ M/L.

 

Thiết kế, hoàn thiện và mức độ cách âm

Cùng với các sản phẩm cao cấp hơn của hãng như Neo, Kaguya, Yume vẫn có được hình dạng thiết kế công thái học nhằm để bám tai người dùng chắc chắn hơn, đồng thời mang lại mức độ cách âm khá tốt đối với một mẫu tai nghe bởi toàn thân hình của mẫu tai nghe giúp che hết loa tai, không cho tạp âm từ môi trường và mang lại cho người dùng trải nghiệm âm nhạc yên ắng nhất. Nhưng với thiết kế này, Yume không phải là sản phẩm dành cho đa số, vì kích thước của Yume có thể hơi to đối với một số người dùng, tạo một số điểm nhức khi đeo trong một khoảng thời gian và ống tai nghe tương đối dài . Yume hỗ trợ cổng 2-pin 0,78mm giúp dễ dàng thay dây khi cần thiết, nhưng điều này sẽ càng tốt hơn nếu như SeeAudio lựa chọn thiết kế cổng 2-pin lõm như Moondrop Kato, Dunu Titan S, để bảo vệ chân cắm dây không dễ bị gãy, cải thiện tính an toàn và độ bền của chúng. Tổng thể ngoại hình của Yume khi sử dụng lần đầu tiên mang lại cãm tưởng tốt đối với nhiều người dùng nhờ có được độ dày, nguyên khối của chất liệu resin, ống tai và màng tai được làm từ kim loại không gỉ. Nhìn chung, SeeAudio Yume có thể dễ dàng vượt qua hầu như tất cả các yêu cầu của khách hàng, với một số chi tiết nhỏ cần được chỉnh sửa nhẹ.

 

Chất âm

Bài viết đánh giá chất âm sản phẩm này được thực hiện dựa trên:

  • Loại nút tai: nút tai đi kèm trong hộp (sử dụng thường xuyên); Moondrop Spring Tips cỡ M (sử dụng thường xuyên); Sony EP-EX11 cỡ M, Spìnit CP100 cỡ M.
  • Dây: dây đi kèm trong hộp (sử dụng thường xuyên); TRN T2.
  • DAC/ AMP rời: JCally JM06, dây chuyển từ cổng type-C sang cổng 3.5mm của Apple, xDuoo XD-05 Plus (opamp MUSES02; chế độ khuếch đại thấp nhất; không sử dụng công tắc tăng bass)(sử dụng thường xuyên).
  • Nguồn: Hiby R3 Pro Saber (sử dụng thường xuyên), Samsung Note 10+; các loại tệp âm thanh định dạng MP3, FLAC (sử dụng thường xuyên), WAV, DSF (DSD64, DSD128)…

Với độ nhạy 106dB±1dB SPL/mW và độ trở kháng 32Ω, SeeAudio Yume phối ghép được với hầu hết các thiết bị có nguồn ra âm thanh.

 

Dải phổ tần tổng của SeeAudio Yume (đã được chuẩn hóa tại 60dB). Nguồn: crinacle.com

Chất âm của SeeAudio Yume thiên trung tính, với âm lượng âm trầm được nhấn mạnh từ 20Hz đến 200Hz.

 

Dải âm trầm:

Đây là một trong những điểm nổi bật của SeeAudio Yume, bởi chất âm của mẫu tai nghe này được hãng tùy chỉnh theo dải tần lý tưởng không chính thức của Harman 2020, đồng thời là hướng tùy chỉnh âm nhiều nhà phê bình yêu thích. Đặc điểm ở cách tái tạo dải này của Yume là lượng bass chỉ nhấn mạnh ở khoảng 20Hz đến 200Hz, không lan vào dải âm trung giúp cho chất âm không bí bách, quá căng thẳng hoặc có thể gây nhức tai sau khoảng thời gian nghe nhạc dài. Vì vậy, ở đa số các bản nhạc đến từ các thể loại khác nhau như hip hop, K-Pop hoặc nhạc điển tử nói chung đến jazz, cổ điển, lượng bass trên Yume được kiểm soát tốt, sạch, không có hiện tượng che lấp tần số và các chi tiết trong dải âm trầm được thể hiện tương đối rõ ràng, đặc biệt trong phân khúc dưới 5 triệu đồng. Tuy vậy, chất lượng bass là điều mà sản phẩm này hoàn toàn, hoặc nhiều phần bị thiếu nhằm tận dụng toàn bộ lợi ích của việc tùy chỉnh chất âm theo hướng này. Dải bass không thể xuống sâu và trầm, khó có thể cảm nhận được độ căng của bass trên các bản nhạc hip-hop và các loại nhạc cụ âm trầm, không gây ấn tượng mạnh khi trải nghiệm sản phẩm lần đầu tiên.

  • Lưu ý bổ sung: Với các loại nút tai có bán kính ống tai nhỏ đến từ các hãng Sony (EP-EX11), Final Audio Design E Type, Audio Technica (ER-CKM55) có thể giúp tăng lượng âm trầm cho SeeAudio Yume lên một lượng nhỏ (thường dao động khoảng 1dB – 2dB), đồng thời giảm một lượng nhỏ lên dải âm bổng (thường dao động khoảng 1dB – 2dB).

 

 

Dải âm trung:

Điểm tỏa sáng nhất của SeeAudio Yume nằm ở cách tùy chỉnh dải âm trung. Hầu như bất kể các loại nhạc cụ thiên âm trung nào đều được tái tạo tự nhiên, đầy đủ vào không bị mất hụt nốt nhạc ở bất kỳ dải tần nào. Giọng hát nữ được Yume thể hiện một cách chính xác, rõ ràng, không quá gắt tai. Sự chuyển tiếp từ dải mid-bass sang phần trầm của dải âm trung tương đối mượt và nhẹ nhàng, tạo chất âm cực kỳ trung tính và sạch sẽ. Trái ngược với điều trên, giọng ca nam không có được lực trầm và thiếu tính đầy đặn, một phần do sự hạn chế của driver dynamic được hỗ trợ và hướng tùy chỉnh âm. Xử lý và truy xuất chi tiết dải âm trung cũng không phải là điểm nhấn nổi bật của mẫu tai nghe này nhưng đối với một sản phẩm nằm trong phân khúc dưới 5 triệu, việc truy xuất chi tiết âm thanh không có gì nổi bật; trung bình nhưng mượt mà. Các loại phụ âm ma sát trong giọng hát thường được nhấn mạnh ở một số bản nhạc nhưng không gây quá chói tai. Nhìn chung, Yume sẽ là sản phẩm xứng đáng nhất cho người dùng yêu thích chất âm trung, thường nghe các thể loại nhạc cổ điển, J-Pop; các bản nhạc có chứa giọng ca nữ hoặc nhiều loại nhạc cụ tự nhiên nhưng không yêu cầu quá nhiều về phần trầm của dải âm trung.

 

 

Dải âm bổng:

Dải âm bổng của SeeAudio Yume có thể được miêu tả là vừa “sáng” nhưng cũng vừa “tối”.

Độ liền mạch giữa driver BA đảm nhiệm tái tạo dải âm trung sang driver BA đảm nhiệm tái tạo dải âm bổng tương đối mượt mà và không có sự ngắt quãng như các mẫu tai nghe hỗ trợ nhiều loại loa. Các loại nhạc cụ như chũm chọe, trống lắc, trống chiêng được tái tạo khá trung tính, chi tiết, trong sạch và rõ ràng, nhưng đối với một số bản nhạc hoặc các bản nhạc không được thu âm tốt, dải âm bổng của Yume có thể hơi chói tai đối với một số người dùng. Ngược với ý kiến trên, dải âm từ 10kHz trở lên bắt đầu thiếu hụt lực, cũng là khi driver đảm nhiệm dải này dẫn ra một số nhược điểm: dải tần số không được mở rộng, có phần thiếu sức sống và tạo cảm giác nhàm chán khi nghe sản phẩm trong khoảng thời gian dài. Đối với một số người dùng, việc có được chất âm bổng như thế này sẽ giúp các nhạc cụ thiên âm bổng thể hiện “chính xác”, cho chất âm gần giống nhất với đời thực và đồng thời mang tính cân bằng ở cả 3 dải, nhưng đối với một số người dùng khác, việc có một lượng tương đối ở dải 10kHz là điều cần thiết để Yume có thể “tỏa sáng” thay cho những nhược điểm của dải âm trầm.

  • Lưu ý bổ sung: Với các loại nút tai có bán kính ống tai lớn như Spring Tips của hãng Moondrop, các loại SednaFit của hãng AZLA có thể giúp tăng nhẹ lượng âm bổng của SeeAudio Yume (dao động khoảng 1dB – 2dB), đồng thời giảm nhẹ một lượng âm trầm (dao động khoảng 1dB – 2dB).

 

Âm trường, âm hình, âm sắc:

Là một tai nghe thiết kế in-ear, âm trường không phải là ưu điểm mạnh của sản phẩm, nhưng kèm theo lượng âm bổng từ 10kHz trở lên không nhiều, các bản nhạc không được Yume tái tạo thoáng đãng, tạo cảm giác hẹp khi trải nghiệm sản phẩm lần đầu tiên. Tuy vậy, việc bóc tách nhạc cụ được Yume thực hiện rất tốt, phân lớp rõ ràng, thể hiện vị trí nhạc cụ khá chính xác dành cho một mẫu tai nghe trong phân khúc dưới 5 triệu. Đa số các loại nhạc cụ và giọng hát nữ được tái tạo trung thực, trung tính, đôi lúc thiên hướng mỏng và nhẹ ở một số bản nhạc hoặc đối với giọng nam trầm, giọng nam trung, các loại nhạc cụ thiên âm trầm. Nhìn chung, khó có đối thủ nào có thể cạnh tranh được độ chính xác khi thể hiện âm thanh như Yume.

 

Tổng kết

Ưu điểm

Nhược điểm

Thiết kế công thái học, thích hợp để đeo trong thời gian dài; hoàn thiện ổn.

Thân tai nghe tương đối to đối với một số người dùng có kích cỡ tai nhỏ.

Phụ kiện đi kèm đầy đủ, có tặng kèm hình dán.

Cách thiết kế cổng 2-pin cần được cải thiện.

Dải âm trầm sạch, không lấn sang dải âm trung; tốc độ phản hồi trung bình-nhanh trong tầm giác.

Dải âm trầm yếu, không có độ căng; không dành cho người dùng yêu thích các thể loại hip-hop, nhạc điện tử, K-Pop, rock…

Dải âm trung trung tính, thể hiện chính xác các loại nhạc cụ và giọng hát nữ; thích hợp để nghe các thể loại nhạc như J-pop, cổ điển, ballad…

Dải tần số không được mở rộng cao; dải âm bổng thiếu độ chi tiết, có thể quá “mượt” đối với một số người dùng.

Âm hình tương đối tốt trong tầm giá.

Âm trường hẹp, không thoáng đãng.