Style : Open circumaural

Transducer type : Planar magnetic

Magnetic arrays : Proprietary push-pull design

Magnet type : Neodymium

Transducer size : 106 mm

Maximum power handling : 15W (for 200ms)

Sound pressure level : >130dB with 15W

Frequency response : 5Hz – 20kHz extended out to 50kHz

Total harmonic distortion : <1% through entire frequency range

Impedance : 20 ohms

Efficiency : 101 dB / 1mW 

Optimal power requirement : 1 – 4W

Đang cập nhật

Nghe nhạc hay thì quan trọng nhất vẫn là cái tai nghe, cái tai nghe mà không hay thì kiểu gì nó cũng... không hay :D Hoặc nó quá khó chiều, đòi hỏi phối ghép cho chuẩn mực dễ làm người ta cụt hứng là chùn bước vì nó cồng kềnh, chi phí bỏ ra lại cao. Bài toán vừa nhẹ đánh, vừa có chất lượng âm thanh tốt không phải dễ và đối với những tên tuổi lớn trong làng tai nghe hi-end thì sứ mệnh này còn khó khăn hơn. Audeze mới có một thành viên mới là LCD2C ( LCD2 Classic ), trở 70 ohms và nhạy 101dB/W, một con thông số cực kỳ lý tưởng cho bất kỳ loại nguồn phát nào, nghe thử, khai thác đủ kiểu, phối ghép đủ thứ thấy hay nên viết bài đánh giá cho anh em cùng tham khảo

Đang tải tinhte_audeze_LCD2C_review (1).JPG…

Phiên bản LCD2 ra mắt hồi năm 2009 đã trở thành huyền thoại với hàng nghìn bài review khen ngợi lên tận mây xanh, biến nó thành 1 trong những chiếc tai nghe thành công nhất đến từ Audeze cho đến thời điểm hiện tại mỗi tội nó nặng quá thể và khá là khó đánh vì đòi amplifier có công suất cao để khai thác. LCD2C cũng có thể được xem như là 1 mẫu “tái bản” của LCD2 ( theo Audeze ) hoặc bạn có thể gọi nó như vậy chứ còn mình thì không có LCD2 để thử so sánh giữa hai con một cách chính xác nên không nói được LCD2C có phải là truyền nhân của LCD2 cũ hay không.

Có 2 điểm rất đáng chú ý trong thiết kế của LCD2 Classic: độ bền và cảm giác sử dụng. Chiếc tai nghe này phần lớn đều được bao bọc bởi khung kim loại nên chắc chắc sẽ cho độ bền rất cao, cộng thêm việc nó hoàn toàn không tạo ra những tiếng cọt kẹt khi sử dụng làm người dùng có cảm giác rất “chắc tay” chứ không ọp ẹp. Dây đi kèm được xoắn lõi, dài 1.9m và có thể tháo rời. Bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng mẫu cable đi kèm LCD2 Classic chính là cable của tai nghe MX4 với giá thành lên đến $3.000. Cuối cùng là adapter 6.35mm-3.5mm mà Audeze tặng kèm trong tất cả các dòng tai nghe của mình. LCD2C được ship trong một hộp carton rất chi là bình thường, không “sang chảnh” chút nào.

Đang tải tinhte_audeze_LCD2C_review (2).JPG…
Đang tải tinhte_audeze_LCD2C_review (5).JPG…Đang tải tinhte_audeze_LCD2C_review (4).JPG…

LCD2C sở hữu khối lượng nhẹ hơn đàn anh của mình nhờ vào thiết kế headband kiểu mới giúp cân bằng trọng lượng 2 bên (đã từng được sử dụng trong LCD X), headband cũng được đục lỗ thông thoáng khí nên không bị nóng đỉnh đầu, cho phép sử dụng trong thời gian dài mà vẫn thoải mái, không làm nặng đầu hay mỏi cổ, tính ra thì nó và con MX4 là hai con tai nghe cho cảm giác đeo nhẹ nhàng nhất của Audeze. LCD2C vẫn khá là to vì bên trong nó là driver với kích thước lên đến 106mm. Earpad của tai nghe làm từ da tổng hợp, không phải da bò như mấy dòng cao hơn, kích thước cũng lớn nhưng lại vô cùng mềm mại và dày, khi đeo lâu chừng hơn một tiếng có hơi nóng tai, bỏ ra tầm 5 phút nghỉ tai đeo lại thì vô tư, điểm yếu duy nhất là chúng được dán lên earcup chứ không phải được vặn vào khớp như mấy con Audeze đàn anh, do đó việc thay thế sẽ trở nên khó khăn hơn, tuy nhiên không nhiều.

Sơ lược về chất âm: giàu nhạc tính, dễ nghe, hơi ấm, khỏe, nội lực tốt, không đuối khi đánh tốc độ cao, có thể nghe được với hầu hết các thể loại nhạc hiện có mà vẫn... hay. Tốc độ của LCD2C vừa phải, đánh nhạc gì cũng cho ta cảm giác LCD2C đang theo sát từng beat nhạc, không lạc lỏng hay lê thê. Theo trí nhớ và cảm giác của mình thì con LCD2C này chất âm nhanh hơn và gọn gàng, trong trẻo hơn LCD2 ngày xưa khá nhiều. Lúc mới mở hộp LCD2C có kiểu tiếng hơi hiền, trung âm (mid) và dải cao (treble) có hơi mờ, lùi, chỉ có phần trầm (bass) là nổi bật nhất. Tới lúc viết bài này thì LCD2C đã chạy được hơn một tháng nên tiếng đã rộng mở, dải treble có năng lượng, trung âm lên cao và mượt, thoáng đãng hơn. Điều mà mình rất ưng bụng với LCD2C là các dải âm của nó liền lạc, nhất quán và độ hài hòa tốt khi chơi bất kỳ loại nhạc nào cũng làm cho ta có một cảm giác giàu xúc cảm, chạm sâu vào bản thu. Điều này hơi giống với các loại loa toàn dải chỉ của Diatone P610MA hoặc Lowther PM8, sử dụng một củ loa, nếu xét từng dải âm thì nó thiếu đầu hụt đuôi so với loa 2-3 đường tiếng nhưng nếu nói về tổng thể màu âm và sự cân đối, sự liền mạch cảm xúc thì các loại loa toàn dải vẫn có phần nhỉnh hơn.

Mình nghe nhạc gì?

Ronnie Milsap – There’s no gettin’ over me
Rickie Lee Jones – Rickie Lee Jones
Keb’ Mo’ – Slow Down
Inger Marie Gundersen – Make this moment
Clean Bandit – Solo ( Ft. Demi Lovato )
Duffy – Warwick Avenue 
Ước sao ta chưa gặp nhau – Phương Linh ( Ft.Dũng Đà Lạt )


Nguồn phát và đồ đánh: Apple Music nghe trên iPhone 6S Plus, DAC/amp Fiio Q1 Mark 2, Chord Hugo 2.

Đang tải tinhte_audeze_LCD2C_review (6).JPG…

Cắm thẳng vào iPhones nghe trước đã, mình để volume tầm 80% - 90%. Dễ nhận ra là con LCD2C này có bass khá hay, tiếng sạch, body của toàn bộ dải bass tròn trịa, không có cái kiểu ồm ồm oàm oàm nghe lầy nhầy, lùng bùng, đúng chất của driver Planar Magnetic. Tiếng búng contrabass của bản Easy Money trong album Rickie Lee Jones êm, sâu, độ nảy cao và xung quanh các nhát búng uy lực là tiếng rung khá khẽ tạo không gian ấm cúng, gần gũi cho một bản Blue-rock được thu âm tuyệt vời. Mình nghe thử Trông Tình của Phương Linh, tiếng guitar bass và trống đi khá sâu và độ nở hậu của bass vừa phải, trống đánh có lực, chắc tay, từng nhát đập được thể hiện với độ nảy tốt.

Mid của LCD2C hơi lùi, không quá nổi bật so với 2 dải còn lại, được làm mượt đi theo chiều hướng dễ nghe: cắt bớt high-mid và làm hơi dày mid và low-mid. Dễ thấy nhất là khi nghe Inger Marie Gundersen hát đầu tiên trong album Make This Moment, mình mất cảm giác về cao độ của trung âm khi mình nghe bản này trên dàn hifi của mình và ở nhiều nơi khác, giọng cô không lên cao được khi LCD2C thể hiện, giọng nữ trầm của Phương Linh thì hay đáo để vì mid và low-mid khá giàu màu sắc, nghe Ronnie Milsap hát Two Hearts Don’t Always Make a Pair cũng khá hay, low-mid dày dặn, đi êm và tách bạch với dải bass, không lem nhem vào nhau. Việc cắt bớt high-mid như thế này có lợi và hại. Lợi: nghe Sơn Tùng MTP hay Lệ Quyên, nhạc thu âm có chất lượng vừa phải tới thấp sẽ không gây ra cảm giác ca sĩ đang “la” vào tai mình, làm cho âm nhạc trở nên thân thiện hơn với người dùng, nghe gì cũng cảm thấy hay. Hại: nghe giao hưởng, nghe các bản thu âm live và jazz, blue không tạo được không gian rất sống động hoặc truyền tải được hết nhưng lúc hát ngẫu hứng, lên giọng và gào như muốn nhai luôn micro của các ca sĩ nữ, ngoài ra nó còn một yếu điểm quan trọng nữa là nếu mở âm lượng to, sẽ xảy ra hiện tượng rạn nhẹ dải mid-high ở một số track mà người thu âm quá cẩu thả, để gain cho giọng ca sĩ quá cao.

Treble của con LCD2C này êm, cực kỳ dễ chịu, tạo không gian rộng rãi, không gò bó. Treble decay nhanh, gãy gọn với năng lượng vừa phải. Everything I Need do Keb’ Mo’ hát hay với tiếng đập crash cymbal snare và hi-hat không lẫn vào nhau, mỗi nhạc cụ có chỗ đứng rất riêng, thể hiện chi tiết tốt, không bao giờ chói gắt! Cái treble này mà nghe Belero hay nhạc Việt Nam mình thì bảo đảm không thể dở được vì độ tí tách và độ trong trẻo vừa phải khá hợp rơ.

Không gian âm của LCD2C không quá cao, được cái là rộng. Không gian này đủ để các bản thu âm tách được lớp lang cũng như chiều sâu, nhưng khổ cái không gian thiếu cao độ nên lúc nghe All I Can Do của Ronnie Milsap lại không mênh mông và dàn hát bè hơi rối.

Sau đó mình chuyển qua cắm vào Hugo 2 của Chord Electronics thì kết quả thật không ngoài dự đoán: độ nổi khối tăng lên chút xíu, bass đánh bạo lực hơn, tốc độ đẩy cao hơn tẹo, nền âm trở nên tĩnh hơn, do đó âm hình hợp lý và tổng thể có trật tự, kiểm soát, tuy nhiên không gian có một sự cải thiện nhẹ, nhẹ thôi chớ không nhiều lắm! Cắm vào Q1 Mark 2 mình cũng có cảm nhận tương tự, màu âm thì Q1 Mark 2 không bằng Hugo 2 nhưng tổng thể những cải thiện mà Hugo 2 mang đến cho LCD2C thì Q1 Mark 2 cũng làm được, ngoài ra Q1 Mark 2 còn có cái nút gạt tăng bass, bật lên đánh EDM cho sướng tai khi cần :D. Không phải nói thế nghĩa là con DAC/amp 100$ nghe ngang ngửa con DAC/amp 2500$, ý mình là con LCD2C khá dễ khai thác và dễ chơi nên chất tiếng không lên quá nhiều giữa các nguồn phát khác nhau. Mình cảm thấy như con LCD2C này ấy, anh em chỉ cần một con như Q1 mark 2 của Fiio chơi nhẹ nhàng là mình thấy quá ổn rồi.

Đang tải tinhte_audeze_LCD2C_review (7).JPG…

Sẵn có Focal Clear ở đây nên mình thử so sánh nhanh một chút, Clear một tai nghe mới cũng được khen nức tiếng bên trời Tây. Clear có tốc độ chậm hơn, tĩnh và êm hơn chứ không bốc như LCD2C, bass về lượng nhiều hơn, chất bass khác nhau xa lắc. Clear có kiểu bass đậm đà, phần hậu dày và nặng, cộng với tốc độ hơi chậm nên một số track EDM và House dễ làm cho Clear thể hiện khá mờ mịt, còn LCD2C có sub-bass dứt khoát, upper-bass căng và nảy, đập nhát nào ra nhát đó để nghe tùm lum các thể loại nhạc, trong khi Clear mình nghĩ sẽ rất tốt để chơi các bản ballads sâu lắng, ngọt ngào, tổng thể mid của Clear so với LCD2C dày và vững hơn, lên cao thì nó cũng dạng dạng như con LCD2C ấy, thậm chí là Clear lên cao nghe không thoát và bay như LCD2C nữa.

LCD2C là một điều tốt đẹp mà Audeze mang đến với thế giới âm thanh. Với mức giá không quá cao và sự thân thiện, dễ phối ghép làm cho LCD2C trở thành một điểm sáng mà mình nghĩ ai cũng cần phải thử qua khi tìm kiếm tai nghe tầm giá 20tr đổ lại, nhất là với những đang muốn thử trải nghiệm chất bass và tốc độ đặc trưng của driver planar magnetic!