Thông số kỹ thuật
Dải tần đáp ứng: 20-20.000Hz
Độ nhạy: 98dB
Trở kháng: 32Ohm
Công suất ampli khuyến cáo: 5mW
Dây tín hiệu: 1,2 mét, giắc 3,5mm
Đang cập nhật
E1003 là phiên bản mới nhất mà 1More đã ra mắt thị trường quốc tế từ tháng 5 năm 2016, và cũng mang tới cải tiến so với các sản phẩm đã bán cho Xiaomi. Điểm dễ phân biệt nhật là 1More chỉ bán ra 2 màu xám Space Grey hoặc vàng hồng Rose Gold khá giống so với màu của iPhone 6S/6S Plus, chứ không còn màu vàng đồng đặc trưng trước đây. Ấn tượng ban đầu của tôi không thực sự tốt về 1More E1003, đơn giản vì giá bán của nó cao hơn một chút so với phiên bản gia công cho Xiaomi, mà ngoại hình có vẻ như giống hệt. Song nếu ngẫm lại việc sản phẩm của 1More có khả năng tương thích với hầu hết smartphone hiện nay chứ không chỉ sử dụng tốt cho điện thoại Android thì đã là một ưu điểm lớn. Khi muốn đổi điện thoại nhưng tai nghe lại không còn hoạt động hoàn hảo thì khá mất vui.
1More vẫn giữ được chất lượng chế tác với độ hoàn thiện ấn tượng trong tầm giá, tôi gần như không tìm được một chi tiết chưa được cắt gọt gọn gàng trên thân sản phẩm. Tuy nhiên, phần ghép giữa 2 mảnh của lớp vỏ còn hơi sắc, đôi khi tạo cảm giác cấn vào tai người dùng nếu sử dụng đệm tai cỡ nhỏ. Cảm giác chắc chắn, bền bỉ là không cần bàn cãi, đặc biệt là ở phần dây tín hiệu phía dưới được bọc sợi kevlar hạn chế đứt, và bọc cao su ở các phần nối để hạn chế đứt ngầm.
Khả năng cách âm của sản phẩm này vẫn ở mức khá, nhưng khi sử dụng khi đi xe thì tiếng gió rít khá nhiều (và chúng tôi không khuyến cáo việc này bởi có thể gây nguy hiểm). Độ nhạy của micro MEMS khá tốt, nhưng nó cũng thu nhiều tiếng gió, nên việc kéo lại gần miệng khi đàm thoại hoặc sử dụng kẹp áo đi kèm. Tôi cũng đánh giá tốt một chi tiết nhỏ khác là giắc dạng chữ I chuẩn 3,5mm được thiết kế khá nhỏ gọn dù được bọc nhôm phía ngoài, nên không gặp khó khăn với các điện thoại sử dụng ốp lưng silicone bọc bên ngoài.
Trên trang chủ của 1More khá kiệm lời khi giới thiệu sản phẩm này, song tôi được biết rằng driver dynamic của phiên bản E1003 mới đã được cải tiến, và đây mới là điểm khác biệt chủ yếu. Thay vì sử dụng màng loa beryllium thì 1More đã cải tiến thành màng loa giấy Mylar PET phủ titan, được cho là nhẹ và đáp ứng âm thanh tốt hơn. Và 1More cũng hợp tác với nghệ sĩ Luca Bignardi nổi tiếng từng đạt giải Grammy để tinh chỉnh âm thanh cho phiên bản này. Sự khác biệt về âm thanh cũng có thể nhận ra khi so sánh với Xiaomi Piston 2.0 trước đây. Sản phẩm được 1More bán trực tiếp đã chuyển sang hướng cân bằng hơn, không còn tập trung quá nhiều về bass, và do đó thì tạo được cảm giác tự nhiên hơn. Sau khoảng 50 giờ chạy rà, tôi nhận ra 1More E1003 có dải bass vừa đủ về lượng, không còn tràn lan, thay vào đó là có lực tốt hơn và tập trung hơn. Dải mid được cải thiện một chút về độ chi tiết, và treble thì trở nên giàu năng lượng hơn.