Đang cập nhật

Đang cập nhật

Với sự phát triển nhanh đến mức chóng mặt trong thị trường tai nghe nhét tai, các hãng âm thanh liên tục ra mắt các mẫu IEM với mức giá dễ tiếp cận đối với nhiều người dùng sau khi phát triển thành công tên tuổi trên các diễn đàn âm thanh nước ngoài nói chung. Vừa đến giữa năm 2022, Tanchjim – hãng có trụ sở tại Trung Quốc, chuyên sản xuất các thiêt bị âm thanh chủ yếu như IEM – đã thử sức gia nhập vào thị trường tai nghe giá rẻ bằng mẫu Ola. Với hướng đi hoàn toàn khác so với các đối thủ nặng kí như Moondrop, Dunu, Tanchjim Ola hứa hẹn mang đến cho người dùng một chất âm mới lạ, khác biệt, không theo xu hướng hiện tại nhưng vẫn lam thỏa mãn những yêu cầu khắc nghiệt.

 

Thông số kĩ thuật:

  • Cấu hình driver: 1 DD
  • Độ trở kháng: 16Ω±10%@1kHz
  • Độ nhạy: 126dB/Vrms@1kHz
  • Dải tần phản hồi: 7kHz – 45kHz
  • THD: <0,3%@1kHz 94dB SPL
  • Loại chân cắm: 2-pin 0,78mm

 

 

 

Các phụ kiện đi kèm trong hộp bao gồm:

  • Bao đựng tai nghe Tanchjim
  • Phiếu hướng dẫn sử dụng nhanh
  • Xấp hướng dẫn sử dụng
  • Phiếu bảo hành
  • Tem QC
  • 3 cặp nút tai cỡ S/M/L tăng Bass
  • 3 cặp nút tai cỡ S/M/L tăng treble
  • Dây tai nghe 1.25m (có mic đàm thoại và phím bấm dừng/ chạy)

 

Thiết kế, hoàn thiện, mức độ cách âm

Khác với cách thiết kế đặc trưng hình tam giác trên các mẫu tai nghe cao cấp hơn của hãng như New Hana, Oxygen, Echo, hãng đã chọn hướng thiết kế nhỏ gọn hơn dành cho Ola, mang lại cảm giác đeo thoải mái cho nhiều người dùng hơn, dễ dàng trải nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, điều đã cản Ola có thể  trở thành mẫu tai nghe đeo ôm tai một cách hoàn hảo đó là ống tai nghe của sản phẩm. Ống tai nghe có bán kính tương đối to, có thể không phù hợp với một số đối tượng sử dụng có ống tai hẹp, dẫn đến việc không tạo được chất âm theo ý muốn của nhà sản xuất. May mắn thay, hạn chế này có thể khắc phục bằng việc sử dụng các loại nút tai cung cấp bên thứ ba, và loại ống tai của Ola có thể tương thích với nhiều mẫu mã trên thị trường.

Ngoại hình Ola được dựng nên bằng tổ hợp mặt kim loại nhôm và vỏ nhựa trong suốt. Cùng với thiết kế tối giản, không có quá nhiều chi tiết nổi bật trên mặt tai nghe, trọng lượng của sản phẩm rất nhẹ, khi đeo thường không bị tuột ra khỏi tai nhanh hoặc gây mỏi tai khi sử dụng trong khoảng thời gian dài.

Như đa số các mẫu tai nghe hỗ trợ driver dynamic khác, để tránh hiện tượng màng loa bị ép quá mức gây uốn cong khi nhét vào tai, Ola có hỗ trợ lỗ thoát khí, cũng đồng thời với việc mức độ cách âm của sản phẩm thực sự không quá ấn tợng, chỉ thích hợp để nghe nhạc trong các môi trường yên tĩnh như phòng làm việc, ở nhà…

 

Chất âm

Bài viết đánh giá chất âm sản phẩm này được thực hiện dựa trên:

  • Loại nút tai: nút tai đi kèm trong hộp (sử dụng thường xuyên); Moondrop Spring Tips cỡ M, Final Audio type E cỡ M (sử dụng thường xuyên), Spinfit CP100 cỡ M.
  • Dây: dây đi kèm trong hộp (sử dụng thường xuyên); TRN T2.
  • DAC/ AMP rời: JCally JM06, dây chuyển từ cổng type-C sang cổng 3.5mm của Apple, xDuoo XD-05 Plus (opamp MUSES02; chế độ khuếch đại thấp nhất; không sử dụng công tắc tăng bass)(sử dụng thường xuyên).
  • Nguồn: Hiby R3 Pro Saber (sử dụng thường xuyên), Samsung Note 10+; các loại tệp âm thanh định dạng MP3, FLAC (sử dụng thường xuyên), WAV, DSF (DSD64, DSD128)…

Với độ nhạy 126dB/Vrms@1kHz và độ trở kháng 16Ω±10%@1kHz, Tanchjim Ola phối ghép được với hầu hết các thiết bị có nguồn ra âm thanh.

 

Dải phổ tần tổng của Tanchjim Ola (đã được chuẩn hóa tại 60dB). Nguồn: crinacle.com

Chất âm cảu Tanchjim Ola trung tính thiên sáng: dải âm trung và âm bổng có nhiều âm lượng hơn so với dải âm trầm.

 

Dải âm trầm:

Là một mẫu tai nghe đi kèm với tham vọng mang lại cho người dùng một chất âm mới lạ, dải bass trên Tanchjim Ola hoàn toàn không có điểm nhấn mạnh đáng kể nào về số lượng: phẳng và trung tính, có phần khá mỏng. Sản phẩm này hoàn toàn không tái tạo lực bass căng, dải tần số không được mở rộng như các mẫu mã nổi tiếng khác trên thị trường, hoặc có thể nói tóm gọn rằng dải sub-bass gần như không có sự hiện diện. Chi tiết âm thanh ở dải này cũng không được thể hiện quá ấn tượng; kết cấu tiếng bass điện, tiếng trống trầm hoặc các nốt trầm của dương cầm không nổi bật lên trên nền nhạc. Đây có thể là điểm tốt nhưng cũng ẩn chứa những khuyết điểm của việc tùy chỉnh chất âm theo cách này. Tanchjim Ola sẽ phù hợp hơn đối với một khoảng người dùng không quá yêu cầu nhiều về số lượng bass; chỉ cần một lượng bass nhẹ để nghe các thể loại nhạc acoustic, cổ điển, nhạc Trung cổ, nhạc Nhật nhẹ…. Với chất âm ít âm trầm, mẫu tai nghe này có thể được sử dụng khi ngủ ngắn hoặc làm việc nhẹ, vì dải lượng bass này sẽ không gây phân tâm và có thể gây nhức đầu sau khoảng thời gian nghe nhạc dài.

Những yếu tố đặc biệt này sẽ không thể áp dụng với khoảng người dùng đông đảo yêu thích nhiều lượng bass, bởi chất âm của Ola sẽ được nhìn theo hướng “rất mỏng” và “thiếu lực”. Các thể loại như EDM, nhạc pop hoặc các bản nhạc có nhiều thông tin ở dải âm trầm sẽ không được thể hiện sống động, dễ gây nhàm chán nhanh. Tóm gọn lại, dải âm trầm của Tanchjim Ola sẽ là tính đặc trưng quyết định việc “trúng-hay-trượt” lẫn lộng nhiều cảm xúc của người dùng.

 

 

Dải âm trung:

Một trong những điểm đặc trưng khác mà Tanchjim Ola muốn hướng đến đó chính là cách tái tạo dải âm trung. Các nốt dương cầm, tiếng guitar điện, các loại nhạc cụ điện tử nằm trong khoảng này được được truy xuất rất tốt, phản hồi nhanh. Kèm theo lượng bass không nhiều, Tanchjim Ola có thể xử lý nhẹ các bản nhạc có nhiều thông tin âm thanh một cách đơn giản. Đối với giọng hát, sản phẩm này tuy không thể tái tạo giọng nam lực lưỡng, hoàn toàn làm mất lực trầm và có xu hướng làm “mỏng” khô đi tính đầy đặn, một phần do mặt hạn chế của dải bass nhưng với giọng nữ, mọi chi tiết trong phần giọng được chiết xuất kĩ càng; tiến nhưng không đẩy các phụ âm ma sát trong giọng hát hay làm mất tín trung thực của giọng. Nhìn chung, đối với đối tượng yêu thích dải âm trung hay thường nghe các bản nhạc chứa giọng nữ, hoặc chỉ đơn giản là sử dụng mẫu tai nghe này với các thể loại ASMR, Tanchjim Ola sẽ không chỉ làm thỏa mãn người dùng mà còn có thể gây ấn tượng mạnh sau lần trải nghiệm đầu tiên.

 

 

Dải âm bổng:

Đây có thể sẽ là dải âm thanh hội tụ nhiều cảm xúc lẫn lộn đối với đa số người nghe. Ở một mặt, dải treble truy xuất chi tiết âm thanh rất tốt, có thể nói Tanchjim Ola đã dành chiến thắng về mảng này trong phân khúc giá rẻ. Các loại bộ gõ được thể hiện trong sạch, sáng sủa và phản hồi nhanh nhưng không quá kĩ thuật. Nét nhạc được trình bày một cách thoáng đãng, không tạo cảm giác bí bách nhờ có lượng treble thấp được đẩy lên.

Ở mặt khác, bởi dải âm bổng có phần được đẩy lên, Tanchjim Ola sẽ không “nương tay” đối với các bản nhạc không được thu âm tốt và làm các loại bộ gõ như chiêng, chũm chọe nghe gắt tai ở âm lượng cao. Các thông tin âm thanh trong khoảng này ở nhiều bản nhạc không được tái tạo mượt mà, chất lượng khá thô và “sạn”. May mắn thay, cách Ola thực hiện ở dải treble không đẩy các phụ âm ma sát trong giọng hát, hay làm nổi bật một số khoảng tần số nhất định bởi nếu kèm theo lượng bass không nổi bật có thể tạo chất âm gắt và mỏng hơn nhiều.

 

Âm trường, âm hình, âm sắc:

Về mảng âm trường, Tanchjim Ola thực hiện không thực sự ấn tượng khi mô phỏng cả ba chiều trải – phải – bề sâu, thông tin âm thanh được thể hiện trong khoảng không gian khá hẹp. Điều này có thẻ khắc phục với các loại nút tai thích hợp như Final E Type, SednaEarfit Long để đẩy ống tai nghe ra xa, nhưng có thể thay đổi chất âm, đặc biệt ở dải treble của Tanchjim Ola. Ngược lại, các vị trí nhạc cụ được thể hiện tách bạch, đặc biệt ở một số bản nhạc có nhiều thông tin âm thanh chơi cùng một lúc, không có hiện tượng bí bách, dính liền các nhạc cục với nhau.

Chất âm của một tai nghe ảnh hưởng đến âm sắc của thông tin âm thanh, và với Tanchjim Ola, bởi vì mẫu tai nghe này không có được lượng bass đủ để tái tạo lực trầm của giọng nam, các nốt trầm của đàn dương cầm, hay dải treble thiên sáng làm nổi bật các loại bộ gõ nhưng đồng thời chất lượng không được truy xuất tốt, âm sắc nói chung của Ola mỏng, sáng và có phần sắc bén.

 

So sánh

So với FiiO FH1S:

Xét về mặt phụ kiện, người dùng khó có thể nghi ngờ về chất lượng các phụ kiện đi kèm với sản phẩm mà FiiO mang lại. Trong thị trường âm thanh tai nghe nhét tai, FiiO là một trong số các hãng hiếm hoi mang lại sự tự tin cho khách hàng về lượng phụ kiện đi kèm, cùng với chất liệu thiên về mặt thực tế hơn là về mặt phong cách như hộp pelican mẫu HB1 được làm từ nhựa rất cứng nhưng nhẹ, hoàn toàn chống nước và có chất liệu mềm bên trong để giảm độ sốc khi đựng tai nghe, khác hẳn so với túi đựng tai nghe làm bằng vải đi kèm với Tanchjim Ola.

 

Ngôn ngữ thiết kế của FH1S và Ola đều phụ thuộc vào gu của người dùng nhưng xét về mặt công thái học, nhờ có ống tai nhỏ hơn và thân tai được thiết kế nhằm giúp tai nghe dễ dàng bám tai, FH1S sẽ là lựa chọn cho những đối tượng mong muốn một mẫu tai nghe có thể đeo thoải mái trong hàng giờ đồng hồ mà không bị tuột hoặc gây mỏi tai, do sản phẩm này có khối lượng tương đối nhẹ. Tuy nhiên, với thân hình nhỏ gọn của Ola có thể tương thích với đa số lượng người dùng hơn bởi không chiếm quá nhiều diện tích xoắn dưới tai.

Cả hai sản phẩm này đều có những mục tiêu khác nhau khi hướng đến các đối tượng sử dụng. Trong khi Tanchjim Ola nhắm vào lượng người dùng mong muốn một chất âm không có nhiều âm trầm, nhẹ nhàng; thiên âm trung cùng với lượng chi tiết không quá sáng, FiiO FH1S thích hợp để nghe các loại nhạc điện tử không lời nhờ lượng bass cực kỳ sống động, dải mid được đẩy lùi khá sâu với mục đích tái tạo không gian rộng trong bản nhạc, kèm theo đó là các tùy chỉnh chất âm V truyền thống với độ chi tiết ở âm bổng được nhấn mạnh.

 

Dải phổ tần tổng của Tanchjim Ola và FiiO FH1S(đã được chuẩn hóa tại 60dB). Nguồn: crinacle.com

Với chất âm của FH1S cũng mang lại một số nhược điểm đáng chú ý, nổi bật nhất ở việc cách FH1S tái tạo dải mid. Chất âm này không chỉ làm mất đi tính trung thực của các loại nhạc cụ thiên âm trung chủ yếu như piano, guitar, giọng trầm ở các giọng ca nam, giọng hát của ca sĩ nữ còn bị đẩy lên khá cao, đồng thời nhấn mạnh các phụ âm ma sát tương đối. Dải bass của FH1S có một lượng tương đối nhiều so với Ola, nhưng chất lượng dải bass có thể thể hiện khác nhau dựa vào các thể loại nhạc. Đối với nhạc điện tử không lời, K-Pop hay thể loại nhạc pop nói chung, FH1S có thể tái tạo độ liền mạch tương đối, không có hiện tượng các nốt âm trầm đan dính với nhau nếu như sự yêu cầu chi tiết ở dải bass không quá khắt khe. Độ đàn hồi bass của FH1S tốt hơn so với Ola và các đối thủ khác trong tầm giá, mang lại cảm giác rung động trong tai. Nhưng đối với những bản nhạc jazz có nhiều nốt âm trầm diễn ra với tốc độ nhanh, hoặc các thể loại nhạc acid jazz, funk, rock… FH1S không thể tách nốt hoàn chỉnh, làm mờ chi tiết rõ rệt và tạo hiện tượng bí bách trong bản nhạc. Âm lượng ở dải âm trung cao và âm bổng được tăng lên nhằm tránh hiện tượng che lấp tần số nhưng đồng nghĩa với việc âm sắc bị biến dạng, không thật sự chính xác. Có thể nói gọn rằng, FH1S mà một phiên bản có hướng đi hoàn toàn trái ngược so với Ola về chất âm.

Nhìn chung, Ola và các đối thủ trong cùng tầm giá đã thận trọng mang lại những yêu cầu đặc biệt về chất âm, nhưng những nhược điểm đi kèm theo việc tùy chỉnh chất âm theo một hướng nào đó đều mang lại những nhược điểm chung, một phần do bản chất của loa bên trong sản phẩm.

 

Tổng kết

 

Ưu điểm

Nhược điểm

Thiết kế nhỏ gọn, nằm gọn trong xoắn dưới tai.

Ống tai khá to, có thể đeo không vừa đối với một số người dùng.

Phụ kiện đầy đủ.

Dải bass không đủ lượng để tái tạo các nốt trầm đối với các loại nhạc cụ thiên âm trầm.

Dải bass không có nhiều lượng; không gây hiện tượng bí bách, nặng nề khi nghe lâu dài.

Độ trầm của giọng ca nam thiếu lực; dải mid cao không tái tạo tốt đối với các bản nhạc không được thu âm tốt; thô, có thể gây chát tai khi nghe ở âm lượng cao.

Giọng nữ và các loại nhạc cụ thiên âm trung được thể hiện chi tiết, tách bạch rõ ràng.

Chất lượng dải treble khá thô, nóng, không mượt mà và liền mạch.

Dải treble thoáng đãng, chi tiết.

Âm trường hẹp hơn so với các mẫu tai nghe khác cùng tầm giá; âm sắc thiên sáng, mỏng.